Lạng Sơn phấn đấu đạt và vượt dự toán thu ngân sách năm 2020

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định, tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh.

Tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm. Ảnh: TL.

Tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm. Ảnh: TL.

Thu ngân sách 7 tháng đạt gần 60% dự toán

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thực hiện đến ngày 27/7 là hơn 3.511 tỷ đồng, đạt 59,9% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó: Thu nội địa đạt hơn 1.484 tỷ đồng, đạt 60,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 2.024 tỷ đồng, đạt 59,5% dự toán. Mức đạt dự toán của tỉnh Lạng Sơn đều cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Đáng chú ý, có 10 khoản thu đạt và vượt so với tiến độ dự toán: Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương (bằng 59,5% dự toán giao), thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương (bằng 66,9% dự toán giao), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bằng 72,8% dự toán giao), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (bằng 89,4% dự toán), thuế thu nhập cá nhân (bằng 65,7% dự toán giao), thuế bảo vệ môi trường (bằng 56,5% dự toán giao). Thu tiền sử dụng đất (bằng 74,9% dự toán Trung ương giao, bằng 56,3% dự toán tỉnh giao), thu tiền thuê mặt đất, mặt nước (bằng 86,7% dự toán giao), thu xổ số kiến thiết (bằng 78% dự toán giao).

Có 4 khoản thu đạt thấp so với tiến độ dự toán, như: thu từ khu vực ngoài quốc doanh (đạt 50,5% dự toán), đây là khu vực bị ảnh hưởng rõ nét do yêu cầu giãn cách xã hội các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Thu từ lệ phí trước bạ giảm (đạt 46,4% dự toán), do giảm thu nhập nên khả năng mua sắm ô tô, xe máy, chuyển nhượng đất đai của cá nhân giảm. Thu phí và lệ phí (đạt 44,6% dự toán) bị ảnh hưởng giảm thu chủ yếu từ thu phí và lệ phí xuất nhập cảnh, thu cấp tiền khai thác khoáng sản (đạt 40,8% dự toán).

Về thực hiện dự toán chi NSNN, UBND tỉnh đã chủ động và chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các đối tượng thụ hưởng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong 7 tháng đầu năm, ngân sách tỉnh đã chủ động đảm bảo nguồn để bố trí kinh phí cho các đơn vị dự toán thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm với tổng số tiền hơn 280 tỷ đồng. Trong đó: chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 37/NQ-CP là hơn 57 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP là hơn 170 tỷ đồng...

“Giúp doanh nghiệp phát triển, mới có nguồn thu”

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn năm 2020 là 5.873 tỷ đồng, đạt 100,1% dự toán Trung ương giao, trong đó: thu nội địa là 2.466 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 3.400 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

Đây là mức phấn đấu rất đáng khích lệ trong bối cảnh những tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, giảm đến hơn 39% so với cùng kỳ năm 2019. Mức tăng trưởng GRDP trên địa bàn 6 tháng đầu năm cũng rất thấp, chỉ tăng 0,47% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”.

Trong thời điểm dịch Covid-19 vào hồi đầu năm, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên kiểm tra nắm tình hình và đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, đã đẩy mạnh công tác đối ngoại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc để phối hợp thực hiện phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn phải tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, những tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Bởi theo ông, “giúp doanh nghiệp phát triển, mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó có nguồn thu cho ngân sách”.

“Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn tháo gỡ cụ thể, ban hành miễn tiền nước, giảm tiền điện, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn liên quan đến các thủ tục về phía cơ quan nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chi trả tiền lương, chế độ chính sách cho người lao động; khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp...”.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song về phía tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện năm 2020 đạt dự toán trung ương giao nhưng không đảm bảo số thu điều tiết theo phân cấp ngân sách và thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó giảm sâu nhất tại các lĩnh vực: thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thu từ phí và lệ phí, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vui chơi giải trí, xuất nhập khẩu, kinh doanh bến bãi, vận tải, du lịch, nhà hàng, sản xuất, lắp ráp phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và tỷ lệ nộp NSNN...

Đánh giá cao kết quả thực hiện dự toán NSNN của tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định: “đây là một trong những điểm sáng của tỉnh”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Thu ngân sách là nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu không thu được, không có để tiêu, không có chi cho an sinh xã hội, cho đầu tư phát triển. Kết quả thu NSNN của Lạng Sơn nhìn chung cao hơn mặt bằng chung của cả nước, tỉnh cần tiếp tục phát huy”.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ NSNN Nguyễn Minh Tân, thu NSNN của tỉnh Lạng Sơn đều đạt kết quả tốt trong những năm gần đây. 2 năm gần đây, tỉnh đều hoàn thành vượt dự toán giao. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Những tháng còn lại của năm, các sở, ngành chức năng cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh khắc phục ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19; thực hiện nghiêm, hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn cho sản xuất kinh doanh…, đảm bảo cân đối ngân sách địa phương./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-02/lang-son-phan-dau-dat-va-vuot-du-toan-thu-ngan-sach-nam-2020-90376.aspx