Lạng Sơn: Tạo không gian số rộng lớn kết nối người dân, doanh nghiệp
Lạng Sơn tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp, tạo đà cho sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả vượt bậc của một tỉnh vùng biên.
Nhân dịp đầu xuân, ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn chia sẻ về thực tiễn chuyển đổi số tại tỉnh.
Cách làm riêng, nhiều giải pháp đột phá
- Mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh tại Lạng Sơn có điểm riêng, rất khác với các địa phương khác, ngay cả đặt trong sự so sánh với các tỉnh biên giới. Hiệu quả chuyển đổi số tại Lạng Sơn như thế nào, thưa ông?
- Tỉnh xác định một mô hình tổng thể và toàn diện với 5 trụ cột là Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Phát triển chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và Cửa khẩu số.
Các nhiệm vụ được triển khai tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, rõ nét mô hình chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt, cả 11 đơn vị cấp huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Đặc biệt, tỉnh kiện toàn 1.646 Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với hơn 9.000 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Lạng Sơn đã tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp. Tất cả trường học sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến. Mọi người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính. Dịch vụ công sẵn sàng trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số. 100% các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh khai báo và xử lý trên nền tảng cửa khẩu số;…
- Những năm vừa qua, Lạng Sơn liên tục duy trì chỉ số DTI nằm trong top các tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước. Điều gì là mấu chốt giúp Lạng Sơn nắm giữ thứ hạng cao này?
- Để duy trì và giữ vững Chỉ số DTI, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số theo 5 trụ cột nêu trên, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đột phá.
Trong đó, Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn được triển khai từ năm 2021 và đã phát huy giá trị trên thực tế, giúp quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu; tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chúng tôi tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch, cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.
Khoảng 20.000 giáo viên thực hiện ký số điện tử cho sổ điểm, sổ đầu bài, học bạ, sổ đăng bộ. Việc triển khai, sử dụng Nền tảng quản lý trường dùng chung và chữ ký số trong 5 năm giúp tiết kiệm được khoảng 130 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước. Hoàn thành chỉ tiêu 100% các trường học sử dụng nền tảng số.
Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình Tổ CNSCĐ và hiện mô hình này được nhân rộng trên toàn quốc. Với gần hơn 9.000 thành viên, Tổ CNSCĐ đã hỗ trợ các hoạt động của người dân lên môi trường số thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.
Một số nội dung, giải pháp của Lạng Sơn đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng các giải thưởng danh giá. Đặc biệt, năm 2024, Hội Truyền thông số Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã bình chọn và trao tặng tỉnh Lạng Sơn Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VietNam Digital Awards - VDA) với 2 giải pháp: Giải pháp Tổ Công nghệ số cộng đồng và Giải pháp chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.
Làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân
- Xin ông chia sẻ cụ thể về hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ - vốn là sáng kiến của Lạng Sơn nay đã được nhân rộng trên toàn quốc?
- Với đặc thù là một tỉnh miền núi biên giới, diện tích rộng, địa hình phức tạp, xa cách, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số của tỉnh, phần lớn sinh sống ở khu vực nông thôn, có trình độ dân trí thấp, tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp so với bình quân chung của cả nước.
Từ đó, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bài học Tổ COVID cộng đồng và thực tiễn triển khai kinh tế số, sáng kiến thành Tổ CNSCĐ của tỉnh Lạng Sơn đã được hình thành là một kết quả đặc biệt đột phá, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” đến tận các hộ gia đình, người dân trong thôn, xóm, Tổ CNSCĐ đã hỗ trợ các hoạt động của người dân lên môi trường số. Từ đó, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc.
- Lạng Sơn cũng đã đúc rút được kinh nghiệm gì triển khai thành công mô hình Tổ CNSCĐ để các địa phương khác học hỏi, thưa ông?
- Tỉnh xác định rằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, làm cho người dân thấy công nghệ là tiếp cận dễ dàng, có giá trị.
Khi chính người dân hiểu được, làm được thì họ lan tỏa thông tin nhanh hơn trong cộng đồng, thôn xóm mình sinh sống. Không những thế, họ còn là người truyền cảm hứng trong cộng đồng.
Cùng với đó, còn cần chú ý về công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời của chính quyền các cấp để định hướng hoạt động của Tổ CNSCĐ. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan tham mưu của UBND tỉnh, thực hiện điều phối chung, để thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, về kỹ năng số một cách kịp thời. Từ đó, tuyên truyền, lan tỏa những câu chuyện hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức, hoạt động của Tổ CNSCĐ.