'Nữ tướng' Đội 3 và những 'giọt đắng vàng'
Sau một năm vất vả mưu sinh, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, Tết đến, Xuân về, thành quả mà các cán bộ, nhân viên, người lao động Đội 3 (Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Quân khu 5) đạt được là vụ mùa bội thu, thắng lớn. Trong thành công chung đó, có dấu ấn đậm nét của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Ngân, Đội trưởng Đội 3, một 'nữ tướng' luôn nặng lòng, nỗ lực để những 'giọt đắng vàng' mang thương hiệu 'CF 15' từng bước vươn xa.
Đã thành thói quen, mỗi chiều, sau khi các công nhân, người lao động đã hoàn thành công việc, trở về bên mái ấm gia đình, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Ngân lại dành thời gian đến từng lô, từng vườn do Đội 3 phụ trách để trực tiếp kiểm tra, theo dõi nắm tình hình thực tế. Những vấn đề phát sinh, tồn tại trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê của các hộ dân, công nhân nhận khoán đều được chị lưu ý, nhắc nhở, rút kinh nghiệm kịp thời trong các buổi giao ban, sinh hoạt đầu bờ.
Năm nay cà phê được mùa, được giá, sau khi trừ hết chi phí, mỗi hộ dân nhận khoán đều thu lãi hàng trăm triệu đồng, đây là số tiền khá lớn đối với những người nông dân trên vùng đất Tây Nguyên quanh năm mây mù, gió núi. Những ngày giáp Tết, họ vừa đổi công cắt lá, tỉa cành, canh lịch tưới nước, vừa tranh thủ trang hoàng nhà cửa, mừng đón xuân về, không khí rất hân hoan, phấn khởi.
5 năm trước, khi được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội 3, nhìn những vườn cây già cỗi, năng suất thấp, nằm trên địa hình đồi dốc, cách xa nguồn nước, rất khó chăm sóc, thu hái, vận chuyển, chị Ngân đã nhiều đêm suy tư, thức trắng đi tìm lời giải cho bài toán khó: Mình phải làm gì để công nhân, người lao động từng bước cải thiện cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề hơn. Qua tìm hiểu nắm bắt, biết nhiều người còn lưỡng lự, ngại trẻ hóa vườn cây già cỗi, năng suất thấp, bởi chi phí đầu tư lớn, sau 2 đến 3 năm mới lại có nguồn thu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, chị khuyên họ nên mạnh dạn tái canh từng bước, lấy ngắn nuôi dài, khi có điều kiện sẽ làm đồng loạt.
Để minh chứng cho những điều mình nói, chị xung phong nhận khoán 4ha cà phê già cỗi nhất, rồi bắt tay vào việc cưa ghép, trẻ hóa, cải tạo vườn cây. Những cây chậm phát triển, cây non đều được chị đánh dấu, khoanh vùng, ủ gốc, giữ ẩm, tưới nước, bón phân, chăm sóc đặc biệt, theo đúng quy trình, hướng dẫn của công ty. Với diện tích cà phê kinh doanh năng suất thấp, chị thường xuyên kiểm tra, nắm chắc độ phân hóa mầm hoa, chọn thời điểm thích hợp để bón phân, tưới nước, cắt cành, nuôi cây, làm cỏ. "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm", chỉ sau một thời gian ngắn, vườn cây của chị đã từng bước “sánh ngang”, thậm chí vượt xa những vườn cây bên cạnh, khiến ai cũng phải trầm trồ, thán phục.
Thấy chị nói được, làm được, mọi người đều hăng hái làm theo. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, chị Ngân luôn quan tâm, gần gũi, hỗ trợ, giúp đỡ các anh chị em trong Đội, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nhà neo người. Từ chỗ chỉ đủ ăn, đủ mặc, sau ít năm gắn bó với cây cà phê, nhiều công nhân, hộ dân nhận khoán đã dần có của ăn, của để, mua được ô tô, xe máy, vật dụng đắt tiền.
Bên vườn cà phê xanh tốt đang bắt đầu bung hoa, phủ trắng cả một vạt đồi, anh Trần Văn Trọng, công nhân Đội 3 vừa tất bật kiểm tra những mầm cây vừa ghép dặm, vừa vui vẻ cho biết: “Trước đây, với mỗi ha cà phê, gia đình tôi thu được khoảng 7 - 8 tấn quả tươi. Từ ngày tiến hành trẻ hóa theo hướng dẫn của chị Ngân, năng suất đã tăng gần gấp đôi, lên đến 12 - 13 tấn/ha. Tuy chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng thành quả thu được cũng không hề nhỏ. Ngày mùa, chúng tôi thường đổi công, giúp nhau thu hái, cắt cành, tưới nước. Từ sáng sớm đến chiều tà, trong những sườn đồi, khe suối, tiếng cười, tiếng nói rộn ràng như ngày hội”.
Mỗi năm, từ Đội 3, hàng trăm tấn cà phê nhân thành phẩm, chất lượng cao vẫn theo các xe hàng đi đến muôn nơi, chinh phục những thị trường khó tính, cả trong và ngoài nước. Trong mỗi giọt cà phê đậm chất, thơm hương mang thương hiệu “CF15 - Vì cuộc sống cộng đồng” ấy đều lắng đọng, kết tinh bao mồ hôi, tâm huyết của những nhà nông áo lính Khu 5.