Lạng Sơn: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số năm 2024
Xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Văn bản số 299/UBND-KGVX về việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số năm 2024.
Trong những năm qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó hoàn thành 21/30 chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,52% GRDP của tỉnh, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, là một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác...
Để phát huy kết quả đạt được và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, duy trì, phát triển kinh tế số trên địa bàn trong năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn năm 2024 và kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của cơ quan, đơn vị để triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 80%. Đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực giai đoạn 2018 - 2024, đảm bảo 100% hồ sơ còn hiệu lực được số hóa đầy đủ, đúng quy định. Quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tăng cường mua sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng Kế hoạch đào tạo, tập huấn và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực số, kỹ năng số cho 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, hoàn thành trong quý I/2024. Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo sản xuất, kiểm tra chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đưa lên cửa hàng số, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap và các tiêu chuẩn khác có liên quan, triển khai 100% các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông sản lên cửa hàng số để tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ phát triển và tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá, giảm chi phí vận chuyển... nhằm thu hút nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh.
UBND các huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, triển khai ứng dụng “Công dân số xứ Lạng”, tài khoản thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin... Phổ cập kỹ năng số theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông; tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số bằng các phương thức phù hợp. Duy trì 80% dân số thường trú trên địa bàn sử dụng app “Công dân số xứ Lạng”...