Lạng Sơn triển khai 10 dự án nâng cao đời sống dân tộc thiểu số và miền núi
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt nhiều kết quả tích cực. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 2 huyện nghèo, 5 huyện biên giới; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh, với 07 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 19,28%; quy mô nền kinh tế nhỏ, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp; hạ tầng còn khó khăn…. Do đó, tỉnh xác định việc triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch số 59 /KH-UBND, trong đó tập trung, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm đối với vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn, đảm bảo để các xã, thôn thoát nghèo bền vững; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS &MN trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu giảm bình quân 3,0%/năm.
Năm 2023, tỉnh cũng phấn đấu đạt mục tiêu 05 xã thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, bao gồm: huyện Bắc Sơn 01 xã; huyện Bình Gia 01 xã; huyện Văn Quan: 01 xã; huyện Lộc Bình: 01 xã; huyện Đình Lập: 01 xã; 24 thôn thuộc xã khu vực I, II thoát khỏi địa bàn thôn đặc biệt khó khăn, bao gồm: huyện Bắc Sơn là 04 thôn; huyện Chi Lăng là 10 thôn; huyện Hữu Lũng là 02 thôn; huyện Đình Lập là 06 thôn; huyện Văn Lãng là 02 thôn.
Ông Lương Trọng Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn luôn bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ đề ra”.
Trong năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện 10 dự án theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở bị dột nát, hư hỏng.
Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn cho các hộ gia đình vùng đồng bào DTTS&MN theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS&MN.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống và đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS&MN.
Đối với giáo dục, tỉnh tăng cường đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN.
Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS&MN để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chăm sóc cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em DTTS&MN.
Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng việc biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào DTTS và nhân dân; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN.
Để thực hiện các dự án này, Ban Dân tộc tỉnh là đầu mối thống nhất theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra. Tiến hành sơ kết, đánh giá các chỉ tiêu trong Kế hoạch, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, đề xuất, điều chỉnh bổ sung các dự án đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh.