Làng Tây Nguyên

Với người Tây Nguyên, làng như một gia đình lớn, bọc lấy những gia đình nhỏ. Theo các tài liệu, xưa kia ở một số vùng dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên, có làng thậm chí chỉ tập trung trong vài ba ngôi nhà. Đó là những ngôi nhà dài bao chứa hết cả một dòng họ.

Trong đó có rất nhiều tiểu gia đình. Sống trong những ngôi làng ấy, mọi người dân nhất cử nhất động đều buồn vui với cả làng. Trong làng có đám cưới, cả làng cùng góp vui. Trong làng có đám tang, cả làng cùng khóc. Những đêm hội, nghe tiếng chiêng nổi lên là mọi người cùng náo nức, đến góp vui với làng, bất kể trẻ già tấm bé.

Người Tây Nguyên săn được con thú lớn thì chia đều cho tất cả mọi người trong làng, dù ít dù nhiều, kể cả đứa bé đang nằm trong bụng mẹ. Trâu bò, heo, dê nuôi được thì không tự nhiên ngả ra ăn thịt chung đụng như người Kinh. Họ chỉ giết những con vật ấy khi có lễ hiến tế, hội làng... Con trâu có vẻ như là vật tổ, thường xuyên được dùng trong những cuộc đâm trâu (cũng có những cuộc ăn trâu, đốt trâu nhưng không bằng nghi thức đâm trâu). Nghĩa là khi giết những con vật lớn thường cả làng cùng chung tay.

Ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Ngày hội làng. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Những đêm hội lớn làm say sưa cả làng, đi vào tâm thức con người từ lúc trong bụng mẹ. Đến mùa, dù ở đâu, người Tây Nguyên cũng nhớ về ánh lửa rừng bập bùng, nhớ tiếng cồng chiêng thao thức, nhớ men rượu cần đê mê trong từng huyết quản.

Từ thuở hồng hoang, nhiều lúc buôn làng như chìm trong một cảm xúc cộng đồng rất mãnh liệt. Dân làng như bị sai khiến bởi một thế lực siêu nhiên nào đó. Khi làng bị xâm phạm, bị xúc phạm, tất cả mọi người dân như bị đòn đau. Họ coi làng là một phần linh hồn, một phần thể xác của mình. Một người đau, cả làng đau. Có những đám tang lớn, cả làng ai cũng mang củi lửa, gạo, xoong nồi, cắp theo con heo tầm một nắm (cổ nọng-gáy cao bằng một nắm tay người lớn) để cùng chia sẻ.

Ngày xưa, trong mỗi làng Tây Nguyên thường có một thầy phù thủy (bờ jầu). Đó là những người có quyền năng kết nối giữa con người và thần linh. Người này được Yàng chọn, tự phát ngộ qua những nạn ốm đau. Có loại bờ jầu được truyền phép từ những pháp sư mạn giáp dân tộc Chăm như người Raglei, người Sre (một nhánh của dân tộc Cơ Ho). Cũng có loại bờ jầu học thuật trừ tà trị bệnh của người Lào. Người làng Tây Nguyên xưa đa phần nghe theo phán quyết của các bờ jầu. Trường hợp không chấp nhận thì phải qua thử thách như lặn nước, đổ chỉ, bốc than lửa... để kết luận sự việc.

...Ngày nay, với việc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, những cảm xúc cộng đồng tiêu cực hầu như đã được loại bỏ. Cùng với đó, những cảm xúc cộng đồng tích cực đang được các làng duy trì, chọn lọc phát huy nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Tây Nguyên độc lạ, yên lành và cao đẹp.

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202206/lang-tay-nguyen-5781179/