Lặng thầm 'canh giấc ngủ' cho các anh hùng liệt sĩ

Hơn 20 năm thầm lặng 'canh giấc ngủ' cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn với ông Hồ Tất Ái đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, sự tri ân với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Giữa những ngày tháng 7 tri ân, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Tất Ái, nguyên Trưởng BQL Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn xung quanh công việc này.

 Ông Hồ Tất Ái bồi hồi kể về công việc quản trang của mình -Ảnh: L.N

Ông Hồ Tất Ái bồi hồi kể về công việc quản trang của mình -Ảnh: L.N

- Xin chào ông Hồ Tất Ái! Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Quảng Trị về cơ duyên đưa ông đến với công việc quản trang?

- Trước đây, tôi công tác tại một xí nghiệp sản xuất gốm. Trong một lần đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc, được biết thông tin tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đang cần một cán bộ quản trang, tôi bày tỏ nguyện vọng và quyết định gắn bó với nơi “đặc biệt” này. Ngoài 40 tuổi, bao năm gắn bó với chiến trường rồi trở về quê hương sinh sống, tôi luôn mong muốn góp sức mình để ngày đêm được “canh giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sĩ. Đem tâm nguyện của mình trình bày với lãnh đạo đơn vị sở tại, được sự đồng ý cho tôi chuyển công tác về đây. Năm 1998, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chính thức trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi.

- Tiếp cận với một công việc hoàn toàn mới ở một nơi rất đặc biệt, ông có thể chia sẻ về những khó khăn ban đầu nhận công tác?

- Ngay từ ngày đầu đến với các anh hùng liệt sĩ, tôi luôn tâm niệm rằng dù bất cứ làm việc gì, ở đâu, chỉ cần có tâm và ham học hỏi, chịu khó lắng nghe thì sẽ làm được. Nhiệm vụ hằng ngày của BQL nghĩa trang là đón khách, quét dọn vệ sinh và dâng hương đều khắp trên từng nấm mộ liệt sĩ. Mỗi ngày làm việc của anh em chúng tôi thường bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối bất kể trời mưa hay nắng. Việc không nặng nhọc nhưng cần sự tỉ mẩn đòi hỏi mỗi người phải tự nguyện, tự giác để hoàn thành. Là Trưởng BQL nghĩa trang, tôi luôn tự học hỏi, rèn luyện bản thân để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, mặt khác tôi gần gũi, động viên anh em, là chỗ dựa vững chắc để các thành viên trong Ban tận tâm, yêu nghề và yên tâm công tác.

Để có thêm vốn kiến thức phục vụ tốt cho công việc của mình, những năm đầu nhận công tác, tôi rất may mắn khi được nhiều lần gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, người anh cả của hàng vạn người lính và thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, người khởi xướng để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Cứ mỗi lần ông vào thăm nghĩa trang, tôi đều tranh thủ thời gian để được gần gũi, trò chuyện để hiểu thêm về lịch sử hình thành nghĩa trang, những câu chuyện, sự tích xung quanh hồ nước, cây bồ đề… Chính những chia sẻ của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là kho tư liệu quý giúp tôi thực hiện trôi tròn nhiệm vụ được giao.

 Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn -Ảnh: L.N

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn -Ảnh: L.N

- Với hơn 20 năm gắn bó với công việc này, trong tâm thức ông neo lại điều gì nhất, thưa ông?

- Trường Sơn là biểu tượng của ý chí và lòng dũng cảm của biết bao chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc, máu của các anh đã đổ xuống để non sông được thống nhất, cho mỗi chúng ta có được cuộc sống thanh bình và ấm áp hôm nay. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc. Với chúng tôi, được gắn bó, chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng. Trong suốt quá trình công tác của mình cho đến bây giờ, trong tâm thức của tôi luôn mang nặng lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng, để có cuộc sống hòa bình hôm nay là nhờ thế hệ cha anh hiến dâng cả tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Là thế hệ tiếp nối truyền thống cha anh, chúng tôi phải có trách nhiệm chăm lo cho những người đi trước, cố gắng làm thế nào để nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ luôn trang nghiêm và xanhsạch-đẹp.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chúng tôi xác định phương châm “ ngày không giờ, tuần không thứ”, bất luận thời tiết nắng hay mưa đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Vào những ngày cao điểm du khách đến viếng nghĩa trang hầu hết các thời gian trong ngày nên anh em chúng tôi liên tục phục vụ đốt nhang, đặt lễ, vòng hoa viếng, tổ chức lễ tưởng niệm cho các đoàn, dẫn khách đến viếng các khu mộ của các địa phương theo yêu cầu. Mọi người không ai bảo ai đều cố gắng, thành tâm giúp du khách hành lễ có những phút giây tưởng niệm thiêng liêng. Gắn bó với nơi này, chúng tôi nhớ hết tất cả tên và vị trí của các ngôi mộ liệt sĩ trong khu vực có hàng ngàn địa chỉ khác nhau. Chính vì thế khi người nhà lên thăm mộ con cháu thường được chúng tôi chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Sự hài lòng của du khách, của gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ mỗi khi đến thăm viếng nghĩa trang là niềm vui lớn, là động lực để chúng tôi làm tốt hơn nữa phần việc của mình.

- Trong quá trình làm công việc quản trang, có những câu chuyện nào làm ông nhớ nhất, cảm động nhất, thưa ông?

- Hòa bình đã trở lại trên quê hương hơn 40 năm, thời gian đủ để nỗi đau lắng dịu. Tuy nhiên, khi gắn bó với công việc quản trang, tận mắt chứng kiến những câu chuyện cảm động của người thân các anh hùng liệt sĩ, lòng chúng tôi như se sắt lại. Mới hay rằng, trong cuộc chiến có ai đếm được các cuộc chia ly, có biết bao nhiêu cuộc chia ly người đi không trở lại, các anh đã mãi mãi nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn.

Đó là câu chuyện của một người phụ nữ Thanh Hóa hơn 50 năm ôm kỷ vật chờ đợi người thương trong mỏi mòn. Rồi một lần đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào năm 2004, bà tình cờ gặp tên anh trên tấm bia trắng. Xúc động, nghẹn ngào trong phút giây “đoàn tụ”, bà khóc ngất trên nấm mồ người thương. Ngược dòng ký ức của bà, chúng tôi được biết đến một mối tình đẹp giữa một cô gái xứ Thanh và chàng thiếu úy quân y từ nhiều thập kỷ trước. Ôm kỷ vật cùng lời hẹn ước, người phụ nữ ấy đã ở vậy cho đến hôm nay, khi mắt đã mờ, tóc đã bạc và những bước chân không còn mạnh mẽ. Sau lần “đoàn tụ” đặc biệt này, năm nào cũng vậy, người phụ nữ ấy đều mang những kỷ vật trở về bên phần mộ người thương, ngồi hàng giờ tâm tình, trò chuyện. Hay như câu chuyện về đoàn thương binh ở Thủ đô Hà Nội về thăm đồng đội, những liệt sĩ Hà Nội nằm yên nghỉ nơi đây. Trên cơ thể các anh không ai còn lành lặn, người mù hai mắt, anh cụt hai chân…, khi trở về thăm đồng đội cũ, các anh ngủ lại giữa nghĩa trang. Nửa đêm đốt lửa, đàn và hát cùng đồng đội như những ngày còn chiến đấu bên nhau, như để cùng sống lại những năm tháng hào hùng mà đầy gian khổ ngày nào. Những bài ca ấy, đối với các anh và thế hệ chúng tôi hôm nay trở nên bất tử, không thể nào quên.

Nhiều năm công tác ở nghĩa trang, có những câu chuyện tâm linh xúc động mà chính tôi và các quản trang đã gặp mà không lý giải được. Tôi không tin vào những điều mê tín nhưng những câu chuyện tâm linh nghĩa tình tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thì tôi tin và trân trọng. Đó là một phần trong công việc hằng ngày mà chúng tôi được gặp và chứng kiến.

- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về cuộc sống đời thường, ông có tâm nguyện gì gửi đến những người làm công việc quản trang hôm nay?

- Cuối năm 2020, tôi về hưu theo chế độ sau hơn 20 năm gắn bó với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Đều đặn hằng tháng, tôi đều trở lại mái nhà chung là BQL nghĩa trang, trước hết thắp nén hương cho các anh hùng liệt sĩ, sau nữa động viên anh em thêm tận tâm với công việc, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ sạch đẹp, ấm cúng.

Cũng như bao công việc khác, quản trang cũng là công việc rất đỗi bình thường. Thế nhưng, với anh em chúng tôi, đây không chỉ là trách nhiệm mà là niềm vui, là một cách tri ân với những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, góp phần bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với tâm nguyện ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, tôi đã “truyền nghề” lại cho đứa con trai duy nhất với mong muốn để sau này nó thay tôi góp sức chăm sóc phần mộ của các anh hùng liệt sĩ nơi nghĩa trang linh thiêng này.

-Xin cảm ơn ông!

Lệ Như (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159398&title=lang-tham-%E2%80%9Ccanh-giac-ngu%E2%80%9D--cho-cac-anh-hung-liet-si