Lặng thầm cho sự sống hồi sinh…

Mới cứu sống được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhưng chỉ vài giờ hoặc vài phút sau đó, họ có thể bất lực chứng kiến một người khác mất đi...

Mới cứu sống được một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhưng chỉ vài giờ hoặc vài phút sau đó, họ có thể bất lực chứng kiến một người khác mất đi. Những tình huống bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc” luôn xảy ra bất ngờ và bất cứ lúc nào là những gì đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh phải đối mặt hàng ngày.

 Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc đang theo dõi chỉ số trên máy thở của bệnh nhân.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Chống độc đang theo dõi chỉ số trên máy thở của bệnh nhân.

Cuộc chiến thầm lặng giành sự sống

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi được vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh. Âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe thấy không phải là tiếng nói, tiếng rên đau của bệnh nhân như những khoa khác, mà là tiếng tít… tít… tít… vang lên liên hồi từ hơn 30 máy thở và theo dõi nhịp tim; tiếng bước chân di chuyển liên tục của điều dưỡng từ giường bệnh này sang giường bệnh khác. Thi thoảng, xen lẫn tiếng y lệnh của bác sĩ, tiếng gọi hỗ trợ cấp cứu khi một bệnh nhân trở nặng đột ngột. Đây là khoa điều trị cho bệnh nhân rất nặng, vì thế chúng tôi không quá sốc khi chứng kiến 46 bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh, xung quanh họ là rất nhiều máy móc, dây truyền dịch, truyền thuốc. Trong đó, số bệnh nhân tỉnh, nhận biết được xung quanh rất ít, còn lại đều rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy.

Để dễ chăm sóc và theo dõi sát bệnh nhân, các giường bệnh được phân chia thành 9 khu, mỗi khu do một số điều dưỡng theo dõi. Tiếp nhận ca trực lúc 14 giờ, điều dưỡng Nguyễn Thị Hợi nhanh chóng kiểm tra chỉ số ở các máy thở của 7 bệnh nhân khu vực mình phụ trách, sau đó theo y lệnh của bác sĩ đẩy xe thuốc đi các giường để tiêm truyền, thay thuốc hoặc tiến hành thông tiểu cho bệnh nhân; theo dõi thời gian từng giường bệnh để bơm truyền thức ăn cho các bệnh nhân đúng giờ. Đang cập nhật hồ sơ bệnh án, thấy bệnh nhân giường số 20 có biểu hiện khó thở, điều dưỡng Hợi nhanh chóng tới kiểm tra, trao đổi nhanh với bác sĩ và tiến hành y lệnh truyền thuốc, hỗ trợ thêm phương tiện thở cho bệnh nhân. Cùng với hộ lý, điều dưỡng Hợi còn phải vệ sinh răng miệng, làm vệ sinh cá nhân, xoay người, vỗ rung lồng ngực cho bệnh nhân…

Phần việc của các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cũng vất vả, căng thẳng không kém, khi vừa giám sát theo dõi thường xuyên diễn biến các ca bệnh, cho y lệnh phù hợp, vừa phải xử lý cấp cứu các ca khi có diễn biến bất thường; trao đổi, giải thích liên tục với người nhà khi bệnh nhân trở nặng hơn; phối hợp với các khoa khác hội chẩn khi có ca nặng… Kiểm tra xong một lượt tình trạng sức khỏe một số bệnh nhân do mình phụ trách, bác sĩ Đinh Việt Hùng cập nhật thêm một số y lệnh trong hồ sơ bệnh án, vừa dõi theo chỉ số máy thở ở các bệnh nhân nặng, đang được lọc máu liên tục. Nhận thấy bệnh nhân giường số 14 có biểu hiện khó thở, bác sĩ Hùng nhanh chóng cùng với điều dưỡng thực hiện đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Bác sĩ Hùng chia sẻ: “Những bệnh nhân nằm ở đây đều rất nặng. Nhìn các chỉ số đang bình thường như vậy, nhưng trong tích tắc có thể xảy ra diễn biến bất thường. Vì thế, chúng tôi phải giám sát 24/24 giờ bởi chỉ cần lơ là trong vài phút khi sự cố xảy ra có thể không cứu được bệnh nhân”.

Đây là khoa đặc biệt, tiếp nhận bệnh nhân nặng, nên mỗi ca trực chỉ bằng nửa thời gian so với khoa khác, tức chỉ 12 giờ. Nhưng trong 12 giờ mỗi ca, 2 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 3 hộ lý căng sức làm việc hết mình, có những thời điểm bệnh nhân đông, nặng, áp lực lớn thì chuyện 9-10 giờ đêm chưa ăn cơm tối là bình thường.

Nơi “đầu sóng, ngọn gió”

10 giờ ở đây, chúng tôi chứng kiến có 13 ca nặng chuyển tới khoa và thấy được niềm vui trên khuôn mặt của đội ngũ y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân khi có 8 ca đã được điều trị ổn định, qua giai đoạn nguy hiểm, được chuyển về các khoa khác để theo dõi. Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân N.C.T (35 tuổi, TP. Nha Trang) bị đuối nước, nhập khoa trong tình trạng hôn mê, bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Thành thông báo cho người nhà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, dự kiến ngày mai sẽ được chuyển qua khoa khác để theo dõi.

 Đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang trao đổi về bệnh lý của bệnh nhân.

Đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang trao đổi về bệnh lý của bệnh nhân.

Cảm nhận niềm vui chưa được bao lâu, hơn 1 giờ sau, ở khu vực 1, bệnh nhân giường số 2 có chuyển biến nặng. Cả kíp trực 8 người cùng nhau thực hiện cấp cứu khẩn cấp. Sau gần 20 phút hồi sức tim bằng máy và tay, nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Giấu nỗi buồn trong mắt, bác sĩ Thành chia sẻ: “Bệnh nhân có tiền sử uống rượu 30 năm nên dẫn đến xơ gan rất nặng, khi nhập khoa đã bị hôn mê sâu. Ngay khi nhận bệnh nhân lúc sáng, chúng tôi xác định bệnh nhân khó qua khỏi, nhưng không ngờ đến tối bệnh nhân ra đi”.

Trải qua hơn 21 năm làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa thấu hiểu cảm giác buồn bã và thất vọng của những thầy thuốc khi để mất đi bệnh nhân mà mình dồn tâm sức cứu chữa. Bác sĩ Kỷ chia sẻ: Không một bác sĩ hay điều dưỡng nào muốn thấy bệnh nhân chết trong tay mình, nhưng đó là thực tế phải chấp nhận khi làm việc ở đây. Đa phần bệnh nhân vào đây khi đã nguy kịch. Lần đầu chứng kiến cảnh bệnh nhân tử vong, có người không vượt qua được và xin chuyển sang các khoa khác. Có nhân viên y tế bỏ ăn, chỉ uống được miếng nước, khi tan ca âm thầm ngồi khóc. Nhưng vì còn nhiều bệnh nhân cần được cứu sống, nên chúng tôi phải tự động viên nhau, vượt qua nỗi đau để tiếp tục chiến đấu, giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay “tử thần”. Vậy nhưng, nỗi buồn ấy cũng dần được khỏa lấp khi đội ngũ y, bác sĩ của khoa cứu sống ngoạn mục nhiều bệnh nhân “thập tử nhất sinh”.

Cực khổ là thế, nhưng khi hỏi chuyện, không kể khó, kể khổ, câu trả lời chúng tôi nhận được từ đội ngũ cán bộ y tế của khoa là sẽ tiếp tục cống hiến cho đến khi sức khỏe không cho phép. Và niềm vui họ mong muốn nhận được nhất chính là sự hồi sinh của các bệnh nhân nơi đây; được trang bị thêm máy móc để cứu sống nhiều bệnh nhân hơn; sự chung tay của các mạnh thường quân hỗ trợ về kinh phí cho các bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Chúng tôi ra về khi màn đêm buông xuống. Chứng kiến những âm thanh hối hả của cuộc sống ngoài kia, chúng tôi càng khâm phục những người thầy thuốc đang âm thầm, lặng lẽ đấu tranh từng giây, từng phút mang lại sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ PHAN HỮU CHÍNH - Giám đốc BVĐK tỉnh: Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là một trong những khoa chủ lực, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của bệnh viện. Đội ngũ y, bác sĩ của khoa lúc nào cũng đối diện với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, sự nóng nảy của người nhà. Cùng với đó, chuyên ngành hồi sức tích cực liên quan đến nhiều chuyên ngành khác, bác sĩ hồi sức cấp cứu nhận định tình hình chỉ trong 5-10 phút, phải ra quyết định nhanh và chính xác để cứu sống bệnh nhân và dành cơ hội phục hồi cho họ về sau. Chính vì vậy, họ không những giỏi chuyên môn mà còn là người có nhiều y đức trong ứng xử.

Những năm gần đây, khoa được đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại; triển khai nhiều kỹ thuật mới như: thay huyết tương lọc máu liên tục, thăm dò huyết động mạch bằng kỹ thuật PiCCO, nội soi phế quản tại giường, lọc máu phụ cho bệnh nhân ngộ độc… Tại khoa có Trung tâm Chạy thận nhân tạo được xếp vào 5 trung tâm lớn của cả nước, hiện đang thực hiện chạy thận cho hơn 400 bệnh nhân.

Thảo Ly - Cẩm Vân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202302/lang-tham-cho-su-song-hoi-sinh-8276676/