Lặng thầm nâng bước tương lai
Chuyện về những đảng viên, nhà giáo, cán bộ giáo dục nâng đỡ học sinh khó khăn ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) đã giúp nhiều thế hệ học trò tìm được lý tưởng và hướng đi đúng cho cuộc đời mình.
Lặng thầm nâng bước tương lai
Lúc ngặt nghèo
Trước thềm năm học mới 2020-2021, tôi nhận được lời mời của thầy Hoàng Quốc Linh – Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Bùi Thị Xuân tham gia hoạt động thực tế để hiểu thêm về cuộc vận động “Mỗi nhà giáo, cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn” (gọi tắt cuộc vận động) mà nhà trường đã triển khai thực hiện trong những năm qua. Đi cùng đoàn hôm ấy, có Ban Giám hiệu nhà trường, đại diện công đoàn, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh và một số học sinh khóa sau.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà một học sinh lớp 10 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vừa mới nhập trường. Đó là em Phạm Huỳnh Ái Nhân – học sinh lớp 10A9. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, ba em bị căn bệnh thần kinh thị giác và mới đây, ông không còn nhìn rõ nên không thể cắt tóc, kiếm thu nhập. Gia đình càng rơi vào ngõ cụt khi mẹ em bỏ nhà đi. Vì vậy, cả 3 ba con phải khăn gói về nhà ông bà nội đã già để tá túc, nương nhờ. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà nội em vẫn quyết định cho Nhân tiếp tục được đến trường. Ngày nhập trường, bà phải vay mượn số tiền hơn 1 triệu đồng để đóng học phí học kỳ 1 và các khoản đầu năm cho em.
Biết được hoàn cảnh của em, thầy Linh đã tổ chức đoàn đến tận nhà để thăm hỏi, động viên và trao học bổng 1 triệu đồng do mạnh thường quân hỗ trợ vào quỹ học bổng của trường trước đó. Đồng thời, thầy Linh cũng lấy tiền lương của mình gửi lại số tiền nhập trường em vừa đóng để bà nội em trả nợ sớm. Tại đây, thầy Linh hứa với gia đình em là thầy sẽ nhận giúp đỡ, theo dõi quá trình học tập của em và sẽ đóng toàn bộ các khoản tiền trong năm học cho em. Thầy Linh chia sẻ: “Đáng ra, những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng và nhận giúp đỡ sẽ được nhà trường triển khai thực hiện sau khi năm học mới bắt đầu 1 tháng. Tuy nhiên, trường hợp của em Nhân, nhà trường đã phát hiện sớm nên tổ chức trao trước số tiền trên nhằm bớt đi một phần gánh nặng cho gia đình, tạo điều kiện tốt nhất để em tiếp tục được đến trường”.
Rời gia đình em Nhân, đoàn tiếp tục đến nhà em Trần Văn Sơn, học sinh lớp 12A5 ở khu phố 15, phường Mũi Né. Sơn là một trong số những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường THPT Bùi Thị Xuân được thầy cô giáo giúp đỡ tận tình trong thời gian qua. Sơn đậu tốt nghiệp THPT là cả một hành trình vượt khó, nỗ lực của bản thân cùng với sự sát cánh của các thầy cô giáo. Chuyện là trước đó, việc học tập của em vẫn diễn ra bình thường cho đến một ngày ba em bị bệnh nặng, cần đi bệnh viện phẫu thuật. Sơn quyết định bỏ học giữa chừng đi làm phụ giúp gia đình để có tiền thuốc thang cho ba và chi phí sinh hoạt cho mẹ và em trai. Sơn tâm sự: “Em đi bốc vác hàng ở chợ đêm, công việc rất vất vả, bắt đầu từ 1 giờ sáng em phải theo xe hàng từ Mũi Né vào chợ đêm Phan Thiết để bốc hàng lên xe và theo xe về lại bỏ hàng ở chợ Mũi Né. Công việc kết thúc lúc 7 giờ sáng em mới được về nhà nghỉ ngơi”.
Thầy Lê Văn Lương – Giáo viên chủ nhiệm cho hay: “Thời điểm Sơn nghỉ học là lúc bước sang học kỳ 2, cũng là thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Nhưng khi biết hoàn cảnh của em, nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên, mạnh thường quân và cả học sinh trong trường chung tay giúp đỡ. Đồng thời, nhà trường đã tư vấn, yêu cầu giáo viên, học sinh giúp đỡ cho em có điều kiện ôn luyện tại nhà, hoàn thành chương trình lớp 12 và đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020”. Cuối cùng, Sơn đã đạt được kết quả như mong đợi của mọi người.
“Quả ngọt”
Việc giúp đỡ kịp thời các học sinh gặp khó khăn ở Trường THPT Bùi Thị Xuân là câu chuyện dài. Trước đó, dù cách giúp đỡ chưa quy củ như hiện nay nhưng đã xuất hiện những cưu mang của quý thầy cô, phụ huynh đối với các học sinh gặp cảnh ngặt nghèo và hiện tại như là đã đơm “quả ngọt”. Thầy cô ở trường này đều biết chuyện cựu học sinh L.C.T cũng xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được thầy cô giúp đỡ. Sau khi ra trường, dù không được học lên cao như một số bạn bè cùng trang lứa, anh đã vừa đi làm, vừa học nghề. Hiện anh đang làm chủ 2 cửa hàng kinh doanh điện thoại ở TP. Phan Thiết. Dù đã thành đạt nhưng anh T. luôn nhớ về nơi mà mình từng được giúp đỡ và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang có nguy cơ bỏ học giữa chừng như mình năm xưa. Vì vậy, hàng năm, anh T. đều tài trợ 6 suất học bổng toàn phần cho nhà trường (mỗi suất hơn 2 triệu đồng). Cụ thể, anh nhận đóng toàn bộ các khoản tiền như BHYT, BHXH, học phí…trong năm học cho 6 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường (mỗi khối lớp 2 em). Việc làm ý nghĩa của anh đã duy trì đến nay được 3 năm và thông qua cầu nối của Ban đại diện ba mẹ học sinh để nguồn kinh phí trên đến với các em kịp thời.
Chú Lê Văn Liễu – Trưởng ban Đại diện ba mẹ học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Sự giúp đỡ của em T. đã góp phần không nhỏ cùng nhà trường hỗ trợ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được đến trường. Mặc dù nhiều lần nhà trường có nhã ý mời T. đến trường để trực tiếp trao số tiền hỗ trợ cho học sinh nhưng em đều từ chối và muốn việc làm của mình diễn ra âm thầm thôi”.
Ở cái nôi sinh ra những tấm gương biết cách cho từ tấm lòng rất thực như thế nên cũng xuất hiện những tấm gương biết cách nhận rất tự trọng. Hôm ấy, chúng tôi đều ngạc nhiên, khi tại nhà em Sơn, thầy Linh có đặt vấn đề với Ban đại diện ba mẹ học sinh có thể xem xét hỗ trợ 1 suất học bổng toàn phần của anh T. hỗ trợ cho em trai Sơn trong năm học này. Tuy nhiên, Sơn đã lễ phép xin từ chối sự hỗ trợ này, với ly do để nhường cho những em học sinh có hoàn cảnh còn khó khăn hơn. “Thời gian qua, em đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các thầy cô giáo. Tấm lòng, tình nghĩa của thầy cô cho em trai em xin nhận, còn sự hỗ trợ về học bổng em xin nhường lại cho các em khác khó khăn hơn. Bởi bây giờ em có thể tự đi làm, kiếm tiền để hỗ trợ mẹ thuốc thang cho ba và nuôi em trai ăn học”, Sơn bản lĩnh nói. Chia tay Sơn, ai cũng mừng vì em đã trưởng thành so với lứa tuổi. Và cũng thấy ấm lòng, khi ở ngôi trường nơi vùng cát này đã làm lan tỏa ý nghĩa của chuyện “Một miếng khi đói…”.