Lặng thầm nghề làm sạch phố phường
Không quản nắng mưa, sớm tối, không ngại nặng nhọc, thức khuya dậy sớm, hàng ngày những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn với công việc của mình là làm sạch đẹp mọi nẻo đường, góc phố...
Không quản vất vả, những người công nhân môi trường vẫn lặng thầm mang đến sự sạch đẹp cho mỗi con đường trong thành phố.
Ba giờ sáng, cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ, những con đường trải dài lặng lẽ. Dưới ánh đèn vàng, người công nhân môi trường âm thầm, mải miết quét dọn. Tiếng chổi xoèn xoẹt, kéo dài từng nhịp tạo nên thứ âm thanh đều đều giữa màn đêm. Thỉnh thoảng có thêm tiếng động cơ xe máy của một vài người đi chợ đêm lướt qua rồi tất cả lại trả về với thứ âm thanh quen thuộc của tiếng chổi.
Đầu đông, trời se lạnh, những đợt gió thổi mạnh, bao trùm cả không gian khiến tôi rùng mình, co ro xoa đôi bàn tay lạnh cóng. Ấy vậy mà, khi đưa mắt nhìn sang người phụ nữ có dáng người nhỏ bé đang thoăn thoắt trải dài chiếc chổi xuống mặt đường, tôi thấy trên lưng áo chị đã ngả đậm màu vải bởi những giọt mồ hôi vất vả. Dường như đã thấm mệt, chị dừng tay rồi dựa lưng vào gốc cây xà cừ ngay gần đó. Tôi tiến lại gần hơn, nở nụ cười bắt chuyện. Có lẽ như tìm được người nói chuyện để vơi đi cái mỏi rời nơi đôi chân và để quên đi sự vất vả bởi công việc nặng nhọc, chị cởi mở về công việc của mình.
Công việc của chị Nguyễn Thị Nga (nữ công nhân trò chuyện cùng tôi) bắt đầu từ 3 giờ sáng. Hàng ngày, vào khoảng 2 rưỡi, chị Nga cùng nhóm công nhân thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa bắt đầu với công việc quét dọn đường phố. Mỗi người một cây chổi, một xe đẩy rác chia ra từng con phố tất bật chạy đua với thời gian trước khi trời kịp trở sáng. “Cô thử tưởng tượng xem, rác thải sinh hoạt của cả thành phố với biết bao con người thì phải nhiều đến cỡ nào, mỗi ngày có khi phải lên tới hàng trăm tấn. Chúng tôi chỉ có vài chục người đảm nhiệm việc thu gom nên khối lượng công việc rất lớn. Vất vả thì không thể kể hết nhưng nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những khó khăn thì chẳng ai có thể trụ lại với nghề. Vì vậy chị em chúng tôi xác định mình cứ làm tốt thì dần dần sẽ thấy yêu nghề thôi”, chị Nga chia sẻ.
Nói rồi, chị lại cầm chổi tiếp tục với công việc, hết quét lại nhặt lại gom rồi gồng mình lên đẩy chiếc xe chở rác cao quá đầu người. Chiếc áo phản quang cứ liên tục di chuyển, chiếc chổi cán dài vẫn đều đặn lia dài xuống mặt đường khô khan. Những đợt gió cứ liên tiếp cuốn bay đám bụi trắng xóa phía trước mặt chị Nga. Miệt mài và lặng lẽ, cứ như vậy, cả con đường dần trở nên sạch đẹp, tinh tươm không hề còn một cọng rác vương vãi.
Chuyển sang một tuyến đường khác khi nền trời đã chuyển sang màu lơ lơ sáng nhạt, chị Nga vẫn tiếp tục với công việc quen thuộc. Lúc này người qua lại đã nhiều hơn trước, tiếng nói chuyện của những người đi thể dục buổi sáng khiến cho con phố bớt tĩnh mịch hơn. Dường như chẳng mấy quan tâm đến sự có mặt của họ, chị Nga vẫn cặm cụi với chiếc chổi và cái bản hốt rác được chế từ chiếc can nhựa cũ. Vừa làm, chị vừa nói với tôi: “Công việc này luôn đòi hỏi đi làm phải đúng giờ nhưng lúc về thì lại không được phép để ý đến giờ giấc. Cứ lúc nào quét hết rác thì chúng tôi mới nghỉ. Một ngày tôi làm 2 ca vào 3 giờ sáng và ca 15 giờ chiều. Thường thì ca 3 giờ sáng kết thúc vào lúc 7 giờ khi các xe chuyên dụng đến đưa hết rác đi xử lý. Còn ca buổi chiều thì cũng phải làm đến khi tối mịt mới xong. Khu vực xung quanh chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương lượng rác rất lớn, nhất là gần những ngày rằm, mùng 1. Những ngày đó, tôi phải làm cật lực mới xong được hết công việc.
Sau gần 4 tiếng, công việc đã hoàn tất, chị Nga tháo khẩu trang và đôi găng tay cao su cũ màu cất vào trong túi đồ nghề. Nhìn vào đôi bàn tay đầy vết chai sạn, chị Nga tâm sự: Tôi vào nghề từ thời thanh niên, khi chưa lập gia đình. Những ngày đầu cầm cây chổi quét đường cảm giác rất ngại ngùng. Rồi khi đẩy xe rác giữa phố phường đông đúc, mỗi khi gặp người quen là tôi lại cố gắng đẩy xe thật nhanh đi qua vì xấu hổ. Nhưng rồi gắn bó với nghề mỗi ngày, tôi dần nhận ra một điều công việc của mình tuy không cao siêu nhưng rất đáng trân trọng. Phải tự hào vì mình đã góp một phần sức lao động để mang lại sự sạch sẽ cho phố phường mới đúng chứ. Hiểu và lòng yêu nghề giúp những người công nhân môi trường như chúng tôi vượt qua được nhiều khó khăn. Từ những đêm vất vả đi làm khi những đứa con mới chỉ vài tháng tuổi. Thương con, nể người thân phải thay mình chăm sóc con nhỏ nhưng vì trách nhiệm khiến chúng tôi không thể xao nhãng. Rồi những áp lực về công việc trong những ngày mưa bão, hay vào những dịp lễ tết, những lo lắng về các bệnh nghề nghiệp như viêm đường hô hấp, bệnh về xương khớp, da liễu... bủa vây.
“Sau những năm gắn bó với nghề, điều làm tôi và chị em công nhân chúng tôi luôn mong muốn là mọi người hãy đối xử văn minh hơn với môi trường sống xung quanh. Đừng cho rằng hành động vứt rác bừa bãi nơi công cộng là “tạo điều kiện” cho người quét rác làm việc. Ước gì họ hiểu được sự vất vả của chúng tôi mỗi ngày để ý thức hơn với hành động của mình”. Chị Nga trăn trở.
Tôi cảm nhận được sự tha thiết từ trong ánh mắt của người nữ công nhân nhỏ bé ngay đối diện. Một sự cảm thông và mến phục, tôi đưa tay ra nắm chặt đôi bàn tay gân guốc. Cả hai nở nụ cười tạm biệt. Lúc này, ngoài đường xe cộ đã tấp nập ngược xuôi, một ngày mới tinh khôi bắt đầu.
Tôi biết, với những người công nhân vệ sinh môi trường thì mỗi con đường, mỗi góc phố luôn gắn bó thân quen. Dù cho những đêm đông gió rét hay những ngày hè oi bức, họ vẫn âm thầm lặng lẽ với công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lắm nhọc nhằn, vất vả. Đêm mai, và nhiều đêm sau nữa cũng thế, trên khắp các con đường vắng vẻ, những lao công quét rác vẫn sẽ cần mẫn làm việc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-tham-nghe-lam-sach-pho-phuong/111307.htm