Lặng thầm Rào Tre

Cuộc sống của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang không ngừng đổi thay, tiến bộ theo thời gian. Để có được điều đó, nhiều thế hệ cán bộ BĐBP Hà Tĩnh đã bám bản, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới. Tuy nhiên, việc đảm bảo cuộc sống, sự phát triển bền vững cho đồng bào Chứt vẫn đang gặp phải không ít thách thức đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.

Cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre hướng dẫn “con nuôi” học bài. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre hướng dẫn “con nuôi” học bài. Ảnh: Viết Lam

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ

Cách đây hàng chục năm, trong quá trình làm nhiệm vụ trên những cánh rừng già giáp biên giới Việt – Lào, tổ công tác của BĐBP Hà Tĩnh phát hiện một nhóm khoảng 30 người dân tộc Chứt, sống trong hang đá. Họ phải thường xuyên đối diện với đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi. Sau đó, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động đồng bào Chứt về dưới chân núi Kà Đay, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh dựng nhà, lập bản Rào Tre và định cư đến bây giờ. Thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp sinh hoạt như khi còn ở rừng sâu với nhiều tập tục lạc hậu. Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống của họ hết năm này qua năm khác. Đến năm 2001, BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, Ðồn Biên phòng Bản Giàng, với nhiệm vụ trực tiếp giúp dân xây dựng, ổn định cuộc sống lâu dài.

Những cán bộ Biên phòng “đa năng”, cần cù, chịu khó đã được lựa chọn về bám tổ công tác thực hiện nhiệm vụ. Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre là một trong những người có thời gian gắn bó lâu năm với đồng bào dân tộc Chứt. Nhớ lại ngày đầu, anh Tịnh chia sẻ: “Khi mới về đây, từ người già đến trẻ em đều không biết chữ, chỉ vài người biết tiếng phổ thông. Chúng tôi muốn truyền đạt thông điệp gì cũng rất khó, chỉ còn cách làm trước, giải thích sau”. Nghĩ là làm, những cán bộ tại tổ công tác đã chọn những gia đình đồng bào Chứt biết nói tiếng phổ thông, giúp họ sắp xếp lại nơi ăn ở, sinh hoạt trong gia đình. Các anh vừa làm, vừa hướng dẫn và khuyến khích họ khuyên bảo các hộ khác trong bản làm theo. Rồi hằng ngày, bộ đội tập trung đám trẻ trong bản để tắm rửa cho chúng, điều đó đã làm thay đổi suy nghĩ của cha mẹ chúng. Thấy bộ đội gần gũi, thương yêu, đồng bào Chứt mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tin tưởng vào lời nói, chỉ dẫn của những người lính Biên phòng.

Khi đã được nhân dân tin tưởng, cán bộ trong tổ công tác Biên phòng ở bản Rào Tre bắt đầu nghĩ đến những chuyện lớn hơn. Đó là hướng dẫn bà con khai hoang đất để trồng lúa nước, mở lớp giảng dạy xóa mù chữ cho nhân dân, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu. BĐBP Hà Tĩnh cũng đã đầu tư xây dựng tại đây một bệnh xá quân dân y kết hợp để trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng. Trải qua nhiều năm kiên trì, bền bỉ của những người lính Biên phòng, cuộc sống đồng bào Chứt ở Rào Tre đã có sự đổi thay, chuyển biến tích cực. Họ đã biết làm ruộng cấy lúa, tự chủ được phần nào lương thực, xóa bỏ những hủ tục, chăm lo để con em được đến trường học chữ. Hiện nay, cùng với nhiệm vụ thường xuyên, tổ công tác Biên phòng Rào Tre đã đón 4 em học sinh đồng bào Chứt ở trong bản về đơn vị để nuôi dưỡng.

Còn đó những thách thức

Từ chỗ chỉ một nhóm người, giờ đây, đồng bào Chứt đã có 43 hộ dân với 149 nhân khẩu, nhiều nhà tự chủ được lương thực, có xe máy để đi lại, ti vi để xem. Gắn bó gần 20 năm ở Rào Tre, chứng kiến cuộc sống của đồng bào Chứt đang tiến bộ, thay đổi từng ngày, Trung tá Dương Thanh Tịnh không khỏi vui mừng. Thế nhưng, khi được hỏi về nhiệm vụ đảm bảo cuộc sống cho đồng bào Chứt ở đây, Trung tá Tịnh thẳng thắn chia sẻ: “Tuy cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi, tiến bộ nhưng còn nhiều khó khăn lắm! Đó là còn tồn tại tình trạng hôn nhân cận huyết thống, thiếu tư liệu sản xuất.”

Hôn nhân cận huyết thống là một trong những vấn đề nhức nhối ở bản Rào Tre, nó đã từng gây ra những hệ lụy rất đau lòng. Nhiều đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, khiếm khuyết cơ thể khi có bố mẹ cùng dòng máu. Để giải quyết tình trạng này, cán bộ Biên phòng tại tổ công tác Rào Tre đã “mai mối” để con em đồng bào Chứt có cơ hội tìm hiểu, kết hôn với những người dân tộc khác, sinh sống ở địa phương khác. Nhờ những người lính Biên phòng, có 7 bạn trẻ sinh sống ở bản Rào Tre kết hôn với những người ở vùng khác, dân tộc khác, họ có với nhau những đứa con khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Đó là tín hiệu rất vui, tuy nhiên, theo những người lính Biên phòng phản ánh, nhiệm vụ “se duyên” cũng gặp phải trở ngại. Nguyên nhân chủ yếu là đồng bào Chứt vẫn còn tự ti, thêm nữa, các nhóm đồng bào Chứt sống cách xa nhau nên việc giao lưu, gặp gỡ cũng khó thực hiện, trong khi kinh phí không có.

Khu tái định cư của đồng bào Chứt cách xa tổ công tác Biên phòng. Ảnh: Viết Lam

Khu tái định cư của đồng bào Chứt cách xa tổ công tác Biên phòng. Ảnh: Viết Lam

Một điều đáng lo ngại nữa đó là không gian sống, diện tích đất sản xuất của đồng bào Chứt đang quá hẹp so với nhu cầu thực tế. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã bố trí để 10 hộ đồng bào Chứt lên một khu tái định cư mới cách bản Rào Tre khoảng 4-5km. Tuy nhiên, việc giao đất, rừng sản xuất vẫn chưa được thực hiện dứt điểm khiến cho người dân gặp phải trở ngại lớn. Một vấn đề khác nảy sinh khi khu dân cư mới được thành lập cách xa tổ công tác Biên phòng nên nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cũng gặp nhiều khó khăn...

Như vậy, sau gần 20 năm, với sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, đặc biệt là sự kiên trì, bền bỉ của các thế hệ cán bộ tại tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre, cuộc sống đồng bào Chứt đang có những sự tiến bộ trông thấy. Bức tranh của bản làng Rào Tre đang thực sự khởi sắc, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày càng in đậm trong lòng dân. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống, phát triển bền vững cho đồng bào Chứt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-tham-rao-tre-post434158.html