Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam: 'Bạo lực học đường và chất kích thích có nguy cơ lan rộng'

Không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn, tình trạng bạo lực học đường và sử dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá điện tử, đang có xu hướng gia tăng đáng báo động ở các vùng nông thôn, miền núi. Sự phát triển của mạng xã hội càng khiến vấn đề trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Mới đây, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” năm 2024 đã lựa chọn hai chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Đây là những vấn đề nhức nhối được các em học sinh quan tâm nhất hiện nay.

Việc tạo ra môi trường học tập an toàn, thân thiện, nơi mà học sinh cảm thấy hạnh phúc khi tới trường không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã trao đổi với Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực học đường và sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường tại Việt Nam hiện nay?

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng bạo lực học đường và sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường tại Việt Nam hiện nay?

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam: Vấn đề bạo lực học đường và vấn đề sử dụng chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới có nguy cơ lan rộng và chúng ta sẽ phải dự toán trong thời gian sắp tới. Nguy cơ của những vấn đề này hiện nay không chỉ xảy ra ở các khu đô thị lớn mà trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng đang dần bị ảnh hưởng bởi bạo lực đường và chất kích thích.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam là một trong số những quốc gia phát triển mạnh về người sử dụng mạng viễn thông và mạng xã hội, sự phát triển của môi trường mạng ngày càng tăng nhanh với số lượng người sử dụng lớn. Tôi cho rằng, cơ hội trẻ em được tiếp cận với các thông tin trên mạng ngày càng dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc trong tương lai những thông tin trên môi trường mạng có khả năng sẽ lan rộng tới trẻ em ở vùng nông thôn, vùng dân tộc miền núi.

Việc tiếp xúc sớm với các thông tin, nội dung xấu trên mạng, qua phim ảnh, trò chơi đã ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của học sinh và góp phần làm tăng thêm tình trạng bạo lực học đường. Những hình ảnh bạo lực có thể khiến các em bắt chước và vô tình hành động thiếu hiểu biết đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, việc quảng cáo và truyền bá các loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đến các em học sinh sẽ làm tăng sự tò mò và mong muốn được thử nghiệm của các em.

PV: Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng nhanh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Ông có kiến nghị nào để ngăn chặn, giải quyết tình trạng này?

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Chính phủ đã có nhiều quy định để quản lý chặt chẽ hơn những sản phẩm, nội dung trên không gian mạng. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong xã hội nói chung hiện vẫn còn nhiều khoảng trống hoặc nếu có thì các em cũng chưa được biết đến nên đã tùy ý sử dụng theo mong muốn của mình.

Tôi kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục hợp tác, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội có nhiều người dùng để kiểm duyệt các thông tin độc hại, các quảng cáo, quảng bá có liên quan.

Trong tương lai, Bộ cần tiếp tục hoàn thiện, phát triển các bộ công cụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, bảo vệ người dùng, đặc biệt chú trọng ở các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ không gian mạng đối với đời sống xã hội.

Để hiểu rõ hơn về lý do trẻ em lại dễ bị thu hút bởi những sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, chúng ta cần có những nghiên cứu sâu rộng về tâm lý lứa tuổi và xu thế nhận thức, hành vi của giới trẻ. Việc trẻ tò mò và muốn bắt chước theo trào lưu là một yếu tố quan trọng cần được xem xét.

Hiện nay trong xã hội đang có hai luồng quan điểm. Một là cấm toàn bộ từ quá trình sản xuất, kinh doanh đến quá trình phân phối, sử dụng thuốc lá điện tử trong xã hội. Thứ hai là chỉ cấm đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông để làm sao ngăn ngừa chất kích thích không xâm nhập vào trường học.

Nếu chúng ta nghiên cứu những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới mà nhận thấy nó chứa các cái chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của con người nói chung và của trẻ em nói riêng thì tôi ủng hộ quan điểm chúng ta cần phải cấm tuyệt đối lưu hành thuốc lá điện tử trong xã hội.

Đồng thời, xây dựng pháp luật, chính sách để xử lý nghiêm xử lý nghiêm, kỷ luật các trường hợp cố tình xảy ra sai phạm, quán triệt, ngăn chặn, phát hiện sớm các trường hợp tàng trữ, mua bán trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Sự việc xảy ra vào tháng 11/2023, nữ sinh bị đánh hội đồng sau giờ tan học xảy ra tại Trường THCS Tân Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội).

Sự việc xảy ra vào tháng 11/2023, nữ sinh bị đánh hội đồng sau giờ tan học xảy ra tại Trường THCS Tân Minh (huyện Thường Tín, Hà Nội).

PV: Ngoài vấn đề bạo lực diễn ra tại trường học, bạo lực trên mạng xã hội cũng đang trở thành vấn đề đáng báo động. Vậy làm thế nào để tạo ra một môi trường học đường an toàn và thân thiện hơn, thưa ông?

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam: Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, chúng ta không thể chỉ dựa vào một giải pháp riêng lẻ mà cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng. Việc đầu tư vào các giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn so với việc chỉ xử lý khi vấn đề đã xảy ra.

Thứ nhất, vai trò của người lớn trong việc hình thành nhân cách cho trẻ là vô cùng quan trọng. Nếu cha mẹ, thầy cô không thể hiện được những hành vi đúng đắn, không trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để tránh xa những tác động tiêu cực từ xã hội, thì việc giáo dục đạo đức sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Phụ huynh cần có những phương pháp nhắc nhở, cảnh báo các em khi tiếp cận với những sản phẩm độc hại, trang bị cho các em năng lực, kỹ năng cần thiết để chọn lọc thông tin, đề kháng trước những sản phẩm bạo lực, xấu độc.

Ngoài ra, để giáo dục đạo đức hiệu quả, chúng ta cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, tích cực, nơi mà trẻ em được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực của bạo lực và thông tin xấu. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với bạo lực gia đình, bạo lực xã hội hoặc những thông tin tiêu cực trên mạng, điều đó sẽ tác động xấu đến suy nghĩ và hành vi của các em.

Thứ hai, chúng ta cần chú trọng hơn đến việc giáo dục học sinh về các kỹ năng sống, về cách giải quyết xung đột một cách hòa bình và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cũng rất quan trọng để giúp học sinh đối phó với những áp lực trong cuộc sống.

Tôi muốn khẳng định rằng, công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực học đường. Những hoạt động này góp phần tạo ra một môi trường học đường an toàn, thân thiện, nơi mà học sinh được quan tâm và hỗ trợ

Hiện nay, theo Thông tư 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo định suất về người làm về công tác tâm lý như sau: “Vị trí việc làm tư vấn học sinh mỗi trường trung học cơ sở được bố trí 01 người. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm”.

Việc quy định một giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý là chưa đủ. Tư vấn tâm lý học đường đòi hỏi cần được xem như một công việc chuyên nghiệp, đòi hỏi một chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản về tâm lý học. Việc giao nhiệm vụ này cho giáo viên kiêm nhiệm chỉ là một giải pháp tạm thời và không thể đảm bảo chất lượng dịch vụ tư vấn. Học sinh xứng đáng được tiếp cận với dịch vụ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm lý học sinh, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (chủ trì công tác tâm lý học đường) với Bộ Y tế (chăm sóc tâm bệnh, tâm lý lâm sàng), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (chủ trì cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý xã hội) và các tổ chức đoàn thể, nhằm xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý toàn diện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cuc-truong-cuc-tre-em-dang-hoa-nam-bao-luc-hoc-duong-va-chat-kich-thich-dang-lan-rong-den-vung-sau-vung-xa-d5347.html