Làng 'triệu phú' Nà Tông
Thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) có khung cảnh thôn dã, bình yên, con người thân thiện, mến khách. Người dân nơi đây đã tận dụng chính những lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng. Từ mô hình này, những triệu phú ở Nà Tông xuất hiện ngày càng nhiều.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm đưa tôi theo con đường liên xã hướng về phố huyện tầm vài trăm mét rồi lại quẹo phải theo con đường bê tông phẳng lỳ. Vừa đi anh vừa vui vẻ giới thiệu: “Đây là 1 trong những thôn có kinh tế phát triển khá của xã. Tỷ lệ hộ khá, giàu cao nhất nhì xã. Người dân trong thôn rất chủ động, mạnh dạn trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và đặc biệt thôn Nà Tông là một trong những thôn phát triển du lịch cộng đồng (homestay) mạnh nhất của xã, của huyện.
Thôn Nà Tông được du khách biết đến bởi những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Từ năm 2015, trong thôn đã bắt đầu xuất hiện hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng, thấy được hiệu quả kinh tế đem lại từ việc phát triển loại hình du lịch này, đến nay đã có 11 hộ gia đình trong thôn đầu tư cơ sở vật chất nhưng giữ nguyên bản những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày để phát triển dịch vụ này.
Nhìn từ trên lưng chừng núi, những nếp nhà sàn xinh xắn nằm trải dọc theo thung lũng. Chúng tôi chọn nhà anh Hoàng Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông là điểm dừng chân đầu tiên để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân nơi đây. Anh Minh vừa đón đoàn du khách người Anh đến trải nghiệm. Vừa trò chuyện, anh vừa mở cuốn sổ xem lại ý kiến phản hồi của khách du lịch về dịch vụ “Homestay” cho chúng tôi xem: “Họ có ưng cái bụng thì mình mới cảm thấy yên lòng, nếu họ chưa ưng thì chúng tôi lại trăn trở mấy hôm không ngủ được”, anh Minh tâm sự.
Du khách đến với Nà Tông không chỉ được nghỉ, ngắm nghía những ngôi nhà sàn hàng trăm tuổi của người dân tộc Tày mà còn được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc... Đến nay, toàn thôn đã thành lập 12 đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Các nghề truyền thống như: dệt vải, thêu hoa văn trên trang phục dân tộc, cùng với đồ trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, khăn quấn đầu, làm cốm, bánh dày cũng được khôi phục, vừa có thể bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, vừa có thể phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Đi sâu vào thôn, đến gia đình nào cũng thấy trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, công trình phụ hiện đại. Trong các ngôi nhà truyền thống, gia chủ chỉ mua thêm những tấm đệm, chăn màn và ga gối, sửa sang hoặc xây mới khu vệ sinh... vậy là đã mời được du khách tới ăn nghỉ ngay trong nhà mình. Bên cạnh dịch vụ nghỉ tốt, du khách cũng hài lòng với những bữa cơm được phục vụ khi có nhu cầu. Thức ăn chủ yếu là những món ăn “đặc sản” của bà con: rau ngoài nương, cá dưới ao, gà lợn... tất cả những sản phẩm này đều do bà con trong thôn tự nuôi, trồng và lấy trên rừng. Qua những bữa cơm như thế, giữa du khách và người dân như gần gũi và hiểu nhau hơn, du khách cũng có thể thấy rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc bản địa.
Chia sẻ về những thay đổi của thôn từ khi làm du lịch cộng đồng, anh Hoàng Văn Hoa, người dân trong thôn nói: “Từ khi làm du lịch, vấn đề vệ sinh môi trường tại thôn đã được người dân ý thức hơn. Hầu hết các hộ gia đình làm du lịch đều đã tự giác dọn dẹp và giữ gìn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, sắp đặt đồ đạc ngăn nắp, vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ngày cũng được chú trọng hơn nhiều. Người dân cũng thấy rõ hơn giá trị văn hóa của dân tộc mình và thấy mình cần phải giữ gìn để cho con cháu mai sau. Vì văn hóa truyền thống của mình đẹp và khác lạ nên khách mới ghé thăm”.
Điều đặc biệt ở Nà Tông, là ngay cả ở những gia đình không làm dịch vụ Homestay vẫn kê vài ba bộ bàn ghế dưới chân nhà sàn để du khách có thể ghé qua, nghỉ ngơi ngắm nhìn phong cảnh. Sự mến khách hiếm có này đang giúp Nà Tông trở thành nơi mà khách ghé qua một lần đều mong muốn được quay trở lại.
Làng “triệu phú”
Đến Nà Tông, điều khiến chúng tôi ấn tượng là sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Không chỉ có của ăn, bà con còn có của để. Nhiều hộ trong thôn hiện là “chủ nợ” của ngân hàng với số tiền gửi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Là người đầu tiên trong thôn, cũng như trong huyện phát triển loại hình du lịch cộng đồng Homestay, ông Hoàng Văn Tọng chia sẻ, cuối năm 2014, khi gia đình bắt đầu bắt tay vào làm dịch vụ homestay, ông cũng thấy hoang mang lắm. Với bà con ở một vùng xa xôi, hẻo lánh như nơi đây thì việc làm du lịch là điều còn khá xa lạ, ít ai thấy được những thứ sẵn có ở bản mình lại có tiềm năng để khai thác du lịch. Được cán bộ huyện gợi mở, được người thân trong gia đình và bà con chòm xóm ủng hộ ông đã quyết định đầu tư làm du lịch homestay. Sau 7 năm phát triển loại hình dịch vụ này mỗi tháng gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động trong thôn.
Hiện nay, các hộ gia đình phát triển dịch vụ homestay trong thôn Nà Tông đang liên kết với các hộ gia đình trong thôn tập trung trồng các loại rau đặc sản, phát triển chăn nuôi để cung ứng nguồn thực phẩm cho các hộ làm dịch vụ homestay. Liên kết với chính người dân, hộ gia đình trong thôn, tạo việc làm cho người dân trong thôn, từ đó tạo nguồn thu nhập cho người dân. Với cách làm này trong những năm qua cuộc sống của người dân nơi đây đã khấm khá lên rất nhiều và trong thôn xuất hiện nhiều “triệu phú”.
Bà Hỏa Thị Hiên, thôn Nà Tông được coi là một trong những “triệu phú” của thôn. Bà Hiên chia sẻ, nắm bắt được nhu cầu nhập các loại thực phẩm của các cơ sở homestay trong thôn, nên từ năm 2018, gia đình bà đã đầu tư vào phát triển chăn nuôi. Đến nay gia đình bà thường xuyên duy trì chăn nuôi với 30 con dê, 6 con bò, 20 con lợn, trên 100 con gà, ngan, vịt… có đến đâu các cơ sở làm dịch vụ homestay trong xã lấy hết đến đó, bà cũng chẳng phải lo lắng gì cho đầu ra. Bà Hiên nhẩm tính, mỗi năm trừ chi phí đi bà cũng thu về trên 200 triệu tiền lãi. “Cũng may nhờ có du lịch mà nơi này phát triển, bà con hưởng lợi. Quả dưa, trái cà, con gà, con vịt bán cho du khách được giá, có người ăn ngon còn đặt thêm mang về” - bà Hiên vừa cười nói vừa vội xách giỏ rau củ đưa cho du khách.
Những triệu phú như bà Hiên ngày càng nhiều, có thể kể ra những “lá cờ đầu” trong phát triển kinh tế của thôn Nà Tông như: Ông Đinh Văn Tuyên, thường xuyên duy trì phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò trên 40 con, 20 con lợn, trên 30 con gia cầm; ông Vi Văn Hùng, duy trì đàn trâu trên 40 con; ông Nguyễn Văn Tùng, phát triển 40 lồng cá các loại (cá bỗng, trắm, chép, lăng)... Từ phát triển du lịch mà từ năm 2019 đến cuối năm 2021, thôn Nà Tông không còn hộ nghèo.
Phát triển du lịch cộng đồng homestay ở Nà Tông đang giúp bà con biến những thứ vốn có thành nguồn thu nhập ổn định. Tạo cơ hội phát triển bền vững cho người dân, giúp cải thiện đời sống và góp phần khôi phục, bảo tồn phát huy các nét đẹp văn hóa của địa phương.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/lang-trieu-phu-na-tong-159979.html