Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) đang trồng giống bưởi đỏ quý hiếm (còn gọi là bưởi gấc, bưởi tiến vua). Những năm gần đây, bưởi đỏ Đông Cao thường được người tiêu dùng săn đón để biếu, tặng và bày biện mâm ngũ quả. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thời điểm này, người dân thôn Đông Cao đang tất bật thu hoạch bưởi đỏ để phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ông Nguyễn Văn Nhất là một trong những hộ dân còn gắn bó với giống bưởi đỏ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nhất cho biết từ bé đã gắn bó với giống bưởi đỏ. Ông Nhất cũng chia sẻ đã từng mang giống bưởi đỏ sang vài tỉnh lân cận để nhân giống nhưng không thành công. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là giống bưởi có màu sắc vô cùng đặc biệt. Đặc thù của giống bưởi này là ra quả màu xanh, đến tháng 8, 9 chuyển dần sang vàng, đến tháng 10 chuyển sang hồng và sát dịp Tết Âm lịch bưởi sẽ chuyển sang màu đỏ tươi, trọng lượng quả nhẹ, tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo ông Nhất, việc chăm sóc cây bưởi đỏ rất đơn giản, khi ra hoa chỉ bón phân hữu cơ, không dùng đến hóa chất. Đến tháng 5 các nông dân bắt đầu bọc cây để tránh côn trùng xâm nhập làm xấu đi vỏ ngoài của quả bưởi. Tuy nhiên, những quả bưởi đỏ được những người dân nơi đây 'nâng như nâng trứng' vì cành giòn, rất dễ bị rụng cuống nếu thu hoạch và vận chuyển không cẩn thận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nhất cho biết trước kia phải chở bưởi đi bán tận nơi, nhiều người còn tưởng nhầm đây là giống bưởi được sơn màu đỏ lên cho đẹp. Những năm gần đây, giống bưởi độc đáo này được nhiều người biết tới nên dịp cận Tết đều đến tận vườn để săn quả đẹp (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những năm gần đây bưởi đỏ đều 'cháy hàng' khách gọi mua ông Nhất không dám nhận lời vì cả làng không đủ sản lượng để bán. Đặc biệt năm nay có trận lũ ở sông Hồng khiến hàng hecta bưởi đỏ ngoài bãi bị ngập và bị hư hại khiến sản lượng ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Vừa mất mùa, nhu cầu lại cao khiến các hộ nông dân chỉ dám nhận lời bán bưởi cho khách quen đặt hàng. Hiện tại, bưởi đỏ có giá khoảng 100-150 ngàn đồng/quả mua tại vườn. Nếu quả đẹp có thể đến vài trăm ngàn đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Nhất cho biết những năm gần đây nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng sang bưởi Diễn cho giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên ông Nhất vẫn gắn bó với những gốc bưởi đỏ truyền thống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Đàm Văn Thìn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tráng Việt cho biết, bưởi đỏ làng Đông Cao có 2 giống là bưởi bánh men (bưởi chua) và bưởi lũm (bưởi ngọt). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Nguyễn Thị Viên có kinh nghiệm trồng bưởi hơn 40 năm. Nhà cô Viên có khoảng 30 gốc bưởi đỏ, mỗi gốc hàng năm cho 6-70 quả, có gốc lên tới 100 quả cho giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cô Viên cho biết, vụ Tết năm 2024 thiếu bưởi nhưng vụ Tết năm 2025 sắp tới còn thiếu trầm trọng hơn. Khách hỏi mua liên tục nhưng không có đủ hàng mà bán. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Đàm Văn Thìn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tráng Việt cho biết bưởi đỏ đang được khôi phục và phát triển tại địa phương. Điều này không chỉ giúp đỡ các hộ trồng bưởi giữ được nguồn gen, mà còn đẩy cao thu nhập của người trồng bưởi, phát triển kinh tế địa phương. Ông Thìn cho biết, đến nay bưởi đỏ Đông Cao đã được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)