Làng trồng kiệu Tết tất bật thu hoạch để kịp bán cho thương lái
Những ngày cận Tết, trên các triền đồi ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) người dân tất bật thu hoạch kiệu hương để bán cho thương lái.
XEM CLIP:
Đây là địa phương trồng kiệu lâu đời ở Đà Nẵng. Món dưa kiệu (củ kiệu dầm mắm) cũng là đặc sản nơi đây. Kiệu hương ở thôn được nhiều người biết đến khi được trồng trên các triền đồi có độ dốc, củ to, mùi thơm nồng.
Cây kiệu được nông dân ở đây trồng quanh năm, chia làm 2 vụ, nhưng vụ Đông Xuân là chính. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ củ kiệu trong dịp Tết Nguyên đán từ tháng 8 Âm lịch bà con đã xuống giống sản xuất. Sau khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch bán Tết. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình nơi đây vào cuối năm.
Tay thoăn thoắt nhổ kiệu để bán Tết, chị Phan Thị Kim Yến (thôn Thạch Nham Tây) cho biết gia đình chị trồng 2 sào (khoảng 1.200m2), dự kiến thu hoạch được 1 tấn kiệu củ.
Theo chị Yến, năm nay mặc dù ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều diện tích trồng bị hư hỏng nhưng đổi lại giá thành thương lái mua cao hơn, từ 20.000 đến 25.0000 đồng/kg.
“Để thu hoạch kiệu cũng mất rất nhiều thời gian từ nhổ, rồi đem về rửa sạch, cắt tỉa rễ. Hiện đang vào chính vụ kiệu Tết nên tôi phải tranh thủ thu hoạch để cung ứng cho người tiêu dùng. Năm nay giá bán ổn định hơn nên mọi người cũng mừng”, chị Yến nói.
Ông Đoàn Ngọc Cẩm – Trưởng thôn Thạch Nham Tây chia sẻ: “Nghề trồng củ kiệu ở địa phương có từ nhiều đời trước. Đây cũng là cây trồng giúp thoát nghèo và tạo thêm nguồn thu dịp Tết”.