Làng trồng mai Tết trăm năm tuổi, nổi tiếng bậc nhất xứ Huế
Làng Thế Chí Tây xã Điền Hòa, Thừa Thiên Huế nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh hàng trăm năm. Mỗi dịp Tết đến xuân về ngôi làng này lại nhộn nhịp cảnh 'kẻ bán người mua' tấp nập, nhộn nhịp.
Xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm cách đường Quốc lộ khoảng 25km. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, bên cạnh nghề nuôi trồng nông nghiệp, người dân Điền Hòa bao đời nay vẫn kế thừa việc trồng cây cảnh, đặc biệt là nghề trồng mai cảnh nổi tiếng ở làng Thế Chí Tây.
Thống kê cho thấy, hơn 30% dân cư nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mai cảnh. Cũng vì thế mai cảnh trở thành đặc sản nổi bật của dân làng và là cây chơi Tết không thể thiếu trong mọi gia đình.
Nghề trồng mai bao năm nay không chỉ là nghề mang lại lợi ích kinh tế mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người làng Thế Chí Tây.
Ông Đặng Văn Thi (50 tuổi, làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa) cho biết, trong làng có khoảng 90% người dân chơi mai. Đa số các cây đều từ 30 năm tuổi trở lên, có những cây có giá gần nữa tỷ đồng.
Là người có kinh nghiệm trồng mai vàng hơn 40 năm, ông Đặng Văn Thái (79 tuổi, thôn Thế chí Tây, xã Điền Hòa) chia sẻ, vườn nhà ông có hơn 20 gốc mai, trong đó cây có giá trị cao nhất gần 200 triệu đồng.
“Tùy theo thời điểm khi mưa kéo dài là phải tỉa lá sớm, nếu thời điểm ấm thì tỉa lá muôn hơn nhưng thường thì cách thời điểm Tết khoảng hơn 1 tháng khi đó hoa mai mới nhiều. Trong công đoạn tỉa lá cần phải thận trọng vì dễ làm gãy nụ hoa. Thường cây trồng đến 3 năm mới bắt đầu ra hoa”, ông Thái chia sẻ.
Để có chậu mai cảnh như ý, người chơi phải chăm chút từng li từng tí. Phần thân mai phải uốn cho cân xứng, chậu cũng phải hợp với cây. Mai nhỏ thì dùng chậu bình thường, những cây hàng chục năm thì phải dùng những chậu lớn mới thích hợp. Người trồng mai khi đưa cây vào chậu phải làm sao cho bộ rễ hiện lên trên đất.
Anh Nguyễn Đăng Sử (40 tuổi), một nghệ nhân chơi hoa mai cho biết: “Ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều nơi trồng mai, tuy nhiên nhiều người thích mai ở Điền Hòa vì thế cây đẹp hơn so với nhiều nơi khác. Cách thức họ uốn cây từ nhỏ hoàn toàn khác nên đến khi cây lớn sẽ cho ra thế khác nhau”.
“Chăm sóc mai, ngoài bón phân, tưới nước, người trồng phải phun thuốc trừ sâu bệnh và ký sinh trùng bám trên cây. Tùy theo sở thích, cảm nhận từng người mà uốn lượn thân cành nhánh mai theo mà mình ưa thích”, anh Sử nói về kỹ thuật trồng mai.
Theo các nghệ nhân chơi mai ở Thế Chí Tây, thường người chơi tạo thế mai theo các kiểu long, lân, quy, phụng. Riêng ở làng nghề chủ yếu người dân tạo mai theo hai thế là long vân và long giáng.
Để có một chậu mai kiểng đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai phải chú ý đến bốn điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống. Cũng theo các bậc cao niên, những cây mai lớn ở Huế đều có nguồn gốc xuất xứ ở Điền Hòa.
Với truyền thống lâu đời, vào ngày 28/12/2018 làng mai cảnh Thế Chí Tây đã được công nhận làng nghề truyền thống trồng mai. Cũng vì thế, du khách nhiều nơi biết đến nghề trồng mai cảnh tại đây khi nhiều cây mai từ đây đã theo lái buôn, người chơi hoa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Phúc - Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 5000 cây mai. Trong đợt Tết năm ngoái người dân đã bán được khoảng 100 cây mai cảnh với tổng giá trị thu được gần 3 tỷ đồng.
“Vừa rồi có đơn vị đã chủ trương xin làm dự án để phát triển cây mai và đã hỗ trợ cây giống cho người dân. Ngoài khuyến khích người dân trồng mai, hiện xã đã trích ngân sách 200 triệu đồng trồng mới 50 cây mai trên tuyến đường liên xã với chiều dài 300m, đồng thời trồng mới 10 cây mai trước cổng làng Thế Chí Tây, tạo cảnh quan cho làng nghề truyền thống,” ông Phúc chia sẻ.
Mai ở làng Thế Chí Tây rất đa dạng bởi có nhiều loại như Hoàng Trúc Mai, Hoàng Diệp Mai, Diệp Cúc Mai... trong đó Hoàng Trúc Mai là giống hiếm nhất. Vốn rất thích hợp với vùng đất cát pha thịt, nên mai vàng ở đây màu vàng tươi, bông to, hương thơm dịu dàng và rất lâu tàn.
Chính những giá trị trên đã tạo nên bản sắc văn hóa của làng nghề mang những nét đặc trưng riêng của Thế Chí Tây giúp lưu giữ truyền thống và phát triển làng nghề hàng trăm năm tuổi.
Những ngày cuối năm Thế Chí Tây lại nhộn nhịp người ra kẻ vào. Lái buôn thì nô nức gom hàng trong khi có không ít khách du lịch bốn phương cũng có mặt tại đây để xem hoa, tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Đến làng những ngày này ai cũng cảm nhận được không khí mùa Xuân đang đến rất gần.