Làng túc cầu Trung Quốc thêm biến cố, 6-7 đội bóng thi nhau bỏ giải
Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) hiện đang úp mở về một biến cố sắp xảy ra, liên quan đến việc nhiều đội bóng đua nhau bỏ giải.
Làng túc cầu Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khủng hoảng khi có tới 2 CLB của hạng đấu cao nhất (CSL) phải ngừng hoạt động và chờ ngày giải thể. Từ nay đến khi mùa giải Trung Quốc khởi tranh vào đầu tháng Tư, số lượng các đội bóng mất tư cách chuyên nghiệp, có nguy cơ bị xóa sổ sẽ còn tăng thêm.
Và điều này đã được chính Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) Trần Tuất Nguyên đưa ra trong cuộc phỏng vấn mới đây.
"Sẽ có điều gì đó sắp xảy ra vào tuần sau. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nhiều phương án ứng phó", người đứng đầu cơ quan quản lý bóng đá Trung Quốc cho biết.
Có thêm 6-7 CLB Trung Quốc bỏ giải vì không đáp ứng được điều kiện. Ảnh: internet
"Dựa trên báo cáo tổng quan về tình hình trước mùa giải này, sẽ có 6 hoặc 7 đội rút lui khỏi giải chuyên nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu. Dù là do hoạt động kinh doanh hay chiến lược của họ thì chúng tôi cũng phải tôn trọng quyết định đó".
Trong năm 2020, 3 hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá Trung Quốc có tới 16 đội bóng bỏ giải, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của hàng loạt CLB là vấn đề về tài chính.
Và câu lạc bộ Giang Tô (đương kim vô địch Trung Quốc), là trường hợp gây sốc nhất. Đội bóng này thông báo dừng hoạt động vào cuối tháng Hai, chỉ 108 ngày sau khi đăng quang. Chủ sở hữu của CLB cũng đang gặp khó khăn trong việc bán lại đội bóng.
Trong khi cầu thủ và HLV của CLB Giang Tô đang cố gắng hết sức để tìm kiếm bến đỗ mới trước khi mùa giải mới khởi tranh. Một số thành viên đã kiện ban lãnh đạo đội bóng vì nợ lương và các rắc rối liên quan đến hợp đồng.
Ở mùa giải 2021, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc áp dụng một số quy định mới về tiêu chuẩn tham dự giải đấu. Nhiều đội bóng gặp khó khăn trong việc đáp ứng và CLB Giang Tô là một trong những đội chọn cách từ bỏ vì không giải quyết được.
Cụ thể, các đội bóng chuyên nghiệp của Trung Quốc phải sử dụng tên gắn với địa phương, không được gắn tên doanh nghiệp hay nhà tài trợ. Ngoài ra, mỗi đội bóng phải hoàn thành nghĩa vụ trả lương, đáp ứng một số quy định giới hạn về tài chính và gửi báo cáo về CFA.
Và chính điều này được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp không còn hy vọng và liên tiếp rút khỏi bóng đá. Các CLB, sau khi đã chi rất nhiều tiền trong những năm qua, không thể duy trì khi bị mất nguồn tài trợ.
Mặc dù vậy, Chủ tịch (CFA) Trần Tuất Nguyên tin rằng những quy định này là để giúp bóng đá Trung Quốc ổn định hơn.
Ông cho biết rằng, việc phi thương mại hóa tên CLB được đề xuất từ năm 2015, đến nay là 6 năm rồi. CFA đã bàn về điều này trong suốt 6 năm. Tại sao lại không thể áp dụng chứ? CFA phải kiên quyết, vì sự thay đổi này có lợi cho sự phát triển lành mạnh của chính các CLB.
Vì vậy, việc Hiệp hội bóng đá Trung Quốc bắt các đội bóng đổi tên cũng gây ra nhiều tranh cãi. CLB Bắc Kinh Quốc An vẫn được giữ tên doanh nghiệp sở hữu đội bóng. Thượng Hải SIPG lách luật bằng cách thay SIPG thành Hải Cảng, cũng chính là tên tiếng Trung của doanh nghiệp này.