Làng và mẹ trong tứ tuyệt Nguyễn Minh Khiêm
Nếu nói theo cách Lê Đạt, văn nhân là 'phu chữ' thì Nguyễn Minh Khiêm là một 'phu lực lưỡng' ở Thanh Hóa. Ông thành công trên cả ba lĩnh vực: văn xuôi, thơ và nghiên cứu văn hóa, với hơn 26 tác phẩm. Gần đây nhất, năm 2023 này, Nguyễn Minh Khiêm xuất bản tập thơ tứ tuyệt Sợi tóc (NXB Hội Nhà văn), gồm 300 bài.
Định vị “không gian làng”
Cảm xúc tứ tuyệt trong Sợi tóc đa chiều, miền cảm rộng, lớn. Nguyễn Minh Khiêm viết khi ông đến các địa danh trên đất nước ta, từ Ải Chi Lăng, Phan-xi-pang... đến Côn Đảo, quần đảo Trường Sa; viết từ danh nhân lịch sử đến người đương thời. Tuy nhiên, tuổi thơ, làng quê luôn là phần trĩu nặng trong tâm hồn nhà thơ. Chủ đề này góp phần tạo nên “căn cước” thơ ông trong Sợi tóc.
Nguyễn Minh Khiêm sinh ra và lớn lên ở Yên Trung, Yên Định; hiện nay sống và viết tại thị trấn Quán Lào, Yên Định. Ông tự hào: “Hầu như làng nào của Yên Định cũng ghi dấu huyền thoại, truyền thuyết, sự tích, các tầng văn hóa nhiều đời, nhiều dòng họ chồng lớp lên nhau”. Làng ông, một trong những “mạch vỉa” của Yên Định. “Hồn làng thăm thẳm giếng sâu/ Thơ ta múc mãi nghìn gầu không vơi/ Chỉ cần chạm một chữ thôi/ Bao nhiêu ký ức xa xôi tuôn trào” (Hồn làng).
Không gian “nghệ thuật làng” trong tứ tuyệt của Nguyễn Minh Khiêm, đầy đủ từ con đường, thế giới cỏ hoa, thế giới màu sắc, thế giới mùi vị, thế giới âm thanh..
Trong Sợi tóc, tâm hồn Nguyễn Minh Khiêm nhằng nhịt nỗi làng. Ngoài Hồn làng là Chiều quê, Cây của làng, Cây gạo mùa đông, Chiếc đòn gánh, Chợ bên đường, Cỏ làng, Cây gạo, Ký ức giếng làng, Cây của đất làng... Nguyễn Minh Khiêm thuộc về làng: “Tôi là cây của đất làng/ Xin đừng ai nhổ tôi mang lên trời/ Nhổ tôi khỏi đất làng rồi/ Bắt tôi phải chết trên trời làm sao?” (Cây của đất làng).
Nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh từng xác quyết: “Bản chất của thơ là tình, là điệu, là hồn. Nếu thiếu cảm xúc thơ sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên như vị vàng ươm ngọt thơm vốn có của nắng”. Bay bằng cảm xúc, bằng men tình, bằng suy cảm nên tứ tuyệt Nguyễn Minh Khiêm lay động và ám ảnh. Có thể nói, trong tứ tuyệt Nguyễn Minh Khiêm, những “thực thể” chữ tạo sinh đan cài với lớp động từ, tính từ tác động qua lại nên thơ tinh tế, và có độ chín của tư tưởng, dẫu viết về làng.
Quanh năm nuôi miệng trâu bò
Đủ chân giày xéo, đủ trò đạp đi
Được tí phân đã xanh rì
Nghìn năm cỏ chẳng mất đi hồn làng.
(Cỏ làng)
Kẽo cày kiệt sức đến già
Chết còn lột nốt tấm da cho làng!
Nghìn dùi trên mặt trống phang
Trâu không hề hỏi người đang làm gì?
(Trâu)
Ngoài bài thơ Hồn làng, hai chữ “hồn làng” còn được gặp trong một số bài thơ như vậy. Nguyễn Minh Khiêm xác quyết rằng, làng có hồn vía, thành một phần thế giới tâm linh của bản ngã. Tây hay ta, kim hay cổ, các tác giả khi viết về làng đều nâng niu, quán chiếu như vậy. Chả thế mà trong Đaghextan của tôi, nhà thơ R.Gamzatop khẳng định, ông không đổi làng lấy bất cứ thứ gì, dẫu quý đến đâu.
Trong “không gian làng” ấy không chỉ là nơi “chôn nhau, cắt rốn” mà đó là không gian ký ức, nơi có bạn bè thuở mục đồng, chăn trâu thổi sáo, bắt dế, bắt giun... Và, với đồng đội, đồng chí những năm Nguyễn Minh Khiêm tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ. Trong Sợi tóc, Nguyễn Minh Khiêm nghĩ về họ, nhớ về năm nao với Bạn cũ, Bạn quê, Bạn rừng già. Bạn bè ở làng, đồng đội trên các mặt trận góp phần làm phong phú thêm ký ức tâm hồn Nguyễn Minh Khiêm.
Bạn bè uống rượu ở quê
Lần nào cũng gọi ta về chung vui
Sướng gì hơn thế ở đời
Trong trái tim của mọi người có ta.
(Bạn quê)
Mẹ là quê, là giá trị Phật quả
Ký ức quê trong tâm hồn Nguyễn Minh Khiêm óng ả, dìu dặt: “Mênh mang cò trắng bay về/ Đồng thơm lúa chín rực đê nắng vàng/ Đàn trâu đủng đỉnh về làng/ Hồn ta sáo trúc vắt ngang lưng trời”, (Chiều quê). Quê không chỉ có “tiếng sáo trúc”, còn tiếng mẹ gọi: “Khiêm ơi, về ăn cơm”.
Trong Sợi tóc, hình ảnh nghệ thuật về mẹ hiện lên, bao la, trìu mến. Đó là Bóng mẹ, Bờ vai mẹ, Gia tài của mẹ, Với mẹ, Ru giấc mẹ, Mẹ đếm vĩ nhân, Khóc mẹ...
Hình tượng mẹ, trong thơ tứ tuyệt Nguyễn Minh Khiêm trước hết là người mẹ sinh ra mình, sau nữa là người mẹ miền Trung lam lũ, nghèo khó. “Nuôi con lận đận đói nghèo/ Buổi sáng dưa khú buổi chiều cà thâm” (Khóc mẹ); “Xoay như chong chóng một đời/ Gia tài còn lại mẹ tôi tuổi già” (Gia tài của mẹ); “Đời mẹ áo rách chân trần” (Với mẹ).
Người mẹ sinh thành, mang nặng đẻ đau; dẫu là gia cảnh nghèo khó vẫn dành những gì có thể cho con mình. Trái tim mẹ luôn là chốn bình an nhất của mọi đứa con, là sức mạnh để mỗi đứa con bước qua “mưa gió cuộc đời”. Người mẹ nông dân ấy, trong thơ Nguyễn Minh Khiêm trở nên vĩ đại, kết tinh thành mạch ngầm chảy mãi: “À ơi mấy khúc dân ca/ Đắp bồi muôn thuở phù sa hồn làng” (Gia tài của mẹ).
Dân tộc Việt Nam có đạo lý mẹ; có hẳn một “kho tàng” ca dao, tục ngữ về mẹ. Những ngày cực khổ, mẹ chắt chiu dành dụm, đùm bọc con, mãi ám ảnh Nguyễn Minh Khiêm, “Bây giờ thịt cá đầy mâm/ Tự nhiên con lại khóc thầm mẹ xưa” (Khóc mẹ): và luôn thấy mình có lỗi: “Đời mẹ áo rách chân trần/ Con chưa đền đáp một lần xâu kim” (Với mẹ).
Mẹ trong thơ Nguyễn Minh Khiêm còn là hình ảnh ẩn dụ về quê hương, nguồn cội, đất nước, mẹ tâm linh; Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Âu Cơ; Đức Mẹ Đồng trinh... hình thành nên đầy đủ người mẹ Bản thể. Từ hiện thực, “mỗi người chỉ một mẹ thôi”, mẹ trong thơ Nguyễn Minh Khiêm trở thành âm lượng của vô thức, tiếng vọng của ánh sáng ngộ giác.
Về thi pháp, những bài thơ về mẹ của Nguyễn Minh Khiêm, tác giả chỉ sử dụng thể loại lục bát. Đây là thể loại thơ hồn cốt trong giá trị thi ca Việt. Dù dưới góc độ phê bình văn học hiện đại như nhà văn, TS Ngô Tự Lập gọi lục bát là thể thơ “đưa nôi”; cũng phải công nhận rằng, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm muốn ru mẹ: “Câu thơ khăn trắng cúi đầu Xin ru mẹ thuở áo nâu nhuộm bùn” (Ru giấc mẹ). Muốn ru mãi thôi, khúc hát tri ân sinh thành, dưỡng dục...