Làng ven sông - một địa chỉ đỏ
Từ thị trấn Rừng Thông, xuôi theo Quốc lộ 45 chừng hơn hai cây số rồi rẽ trái, qua sông là đến làng Hàm Hạ, bắt đầu từ xóm Chủ. Cũng từ thị trấn Rừng Thông, nếu đi theo đường 47 khoảng 2km, rẽ phải, đi hết làng Viên Khê, xã Đông Anh cũng đến làng Hàm Hạ, bắt đầu từ xóm Nghĩa.
Làng chài ven sông (ảnh mang tính minh họa).
Làng Hàm Hạ có bốn xóm: Chủ, Dân, Tân, Nghĩa, cư dân tứ xứ hợp lại từ ngàn xưa, ở dọc theo đường cái quan. Con đường làng được bắt đầu từ cây đa ven đường 47 (người ta quen gọi là cây đa Viên Khê) rẽ phải qua hết làng Viên Khê rồi chạy đến xóm Nghĩa, nơi bắt đầu của làng, từ đó con đường chạy qua xóm Tân, xóm Dân và kết thúc ở xóm Chủ trước khi vắt qua sông nối với Quốc lộ 45 tại phố Triệu Xá, con đường gánh trên mình những cực nhọc của làng thời phong kiến, đế quốc, khi những cây lúa non cuối cùng bị cường hào bắt nhổ lên để trồng đay. Những lá lúa héo khô, quằn quại phơi mình trên đường làng báo hiệu những ngày đói quay quắt. Con đường cũng dẫn lũ trẻ con trong xóm í ới đi lên xóm Chủ, qua cầu trên sông để theo học cấp một, cấp hai, khi thì ở Triệu Xá, lúc lại sơ tán ở làng Triệu Tiền. Mỗi khi có tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời, học sinh đội mũ rơm nhanh chóng nép xuống vệ đường cái quan. Có đứa gan lỳ cứ ngóc đầu lên để xem máy bay Mỹ đang ném bom từ hướng nào. Trước đó, huyện Đông Sơn chưa có trường cấp ba, vì vậy muốn đi học cấp ba phải xuống tận thị xã Thanh Hóa, khi đó làng Hàm Hạ cũng chỉ dăm người có điều kiện theo học cấp ba. Khi huyện Đông Sơn thành lập trường cấp ba, học sinh làng Hàm Hạ lại theo đường cái quan để đi học, nhưng không đi ngược lên xóm Chủ như hồi học cấp một, cấp hai nữa mà đi xuôi về xóm Nghĩa, qua làng Viên Khê, ra đường 47 để đến trường cấp ba Đông Sơn ở xã Đông Xuân, có thời gian sơ tán vào xã Đông Thịnh. Đa số học sinh làng Hàm Hạ đi chân đất đến trường, thời đó chỉ học nửa ngày, còn nửa ngày học sinh chăn trâu, cắt cỏ, nhổ mạ hoặc làm các việc nhà nông. Mặc dù còn rau cháo thay cơm, nhưng so với lớp cha anh trước kia, thanh niên làng Hàm Hạ hầu hết đã được đi học đến cấp ba.
Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, những học sinh nam lớp 10 làng Hàm Hạ đã tình nguyện nhập ngũ gần hết, chỉ trừ một số trường hợp sức khỏe yếu hoặc gia đình chính sách nên ở lại. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một số hy sinh, có người là thương binh, bệnh binh, có người may mắn hơn nhưng trở về cũng mang theo đầy bệnh tật, song bước ra từ cuộc chiến khốc liệt đó, một thế hệ cán bộ trung kiên của làng đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Không thua kém nam giới, phụ nữ làng Hàm Hạ cũng lên đường vào bộ đội, thanh niên xung phong hoặc trở thành công nhân, cán bộ, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo... ai ai cũng cống hiến hết sức mình cho công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước đẹp giàu. Vì thế làng Hàm Hạ có những người được giao trọng trách là bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện, phó hoặc trưởng ngành, tỉnh ủy viên, một số người công tác tại các cơ quan Trung ương và có người là đại biểu Quốc hội, là sĩ quan cấp tướng. Mỗi năm vào dịp hội làng, dù ở đâu, làm gì, những người con của làng vẫn tụ họp về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Họ về làng để hoài niệm tuổi thơ, để gặp gỡ bạn bè, người thân và kính cáo với họ hàng, bà con chòm xóm về công việc của họ đã làm, đồng thời tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người để tham gia đóng góp, xây dựng làng, xã ngày càng ấm no, trù phú.
Từ một làng quê nghèo đói, dân làng Hàm Hạ theo Đảng vùng lên chống phong kiến, đế quốc giành lại ruộng đất, giành lại quyền sống, quyền tự do để cùng nhau vào HTX, lo cấy cày làm ăn. Làng Hàm Hạ có một thời sôi nổi với phong trào thả bèo hoa dâu, trồng cây điền thanh hoặc phát triển khoai tây... rồi phong trào thanh niên sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần và phụ nữ đảm đang việc nước, việc nhà. Từ tổ đổi công HTX đến khoán sản, rồi các hình thức sản xuất khác nhau, đến nay làng Hàm Hạ đã trải qua bao thăng trầm của nhiều giai đoạn chuyển động, đổi thay. Bà con trong làng không chỉ đóng góp tích cực trong các cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc mà còn cùng nhau đoàn kết, trăn trở đổi thay để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, khi màn đêm buông xuống, xóm dưới, ngõ trên đã chan hòa ánh điện, nghe ê a tiếng con trẻ học bài. Từ đầu làng đến cuối làng, vào đến từng ngõ xóm, đường đi lối lại đã được bê tông hóa, mức sống trung bình và khá ngày càng tăng lên, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện, đói nghèo đã lùi vào dĩ vãng. Làng Hàm Hạ đang đổi mới từng ngày trên đường xây dựng nông thôn mới.
Vào dịp hội làng hằng năm, mỗi khi trở về, những người cùng lứa học trò thuở nào thường thức trắng đêm để trò chuyện về con sông, giếng nước và đình làng, những hình ảnh không bao giờ phai mờ trong ký ức của một thời tuổi trẻ, dẫu thời gian đã phủ bụi lên không gian xưa cũ. Làng Hàm Hạ có hai dòng sông chạy song song với đường cái quan. Thuở xưa, sông Nhà Lê vẫn trong xanh, xuôi dòng, chạy dọc làng Hàm Hạ. Khi đó, nghe các cụ bô lão kể chuyện, bọn trẻ trong làng vẫn mường tượng thấy những đoàn thuyền đang xuôi ngược tấp nập trên sông Nhà Lê. Đó là một thuở những đoàn thuyền của vua quan Nhà Lê trên đường xuôi vạn lý. Đó là một thời những đoàn thuyền nan chuyên chở vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam thời chống Mỹ... Có những buổi chiều, bọn trẻ thi nhau gấp lá làm thuyền thả trôi dọc sông Lê, thật vui. Sông Lê cũng là nơi lũ trẻ của làng thường xuyên vớt bèo tây nuôi lợn, đặt lờ đơm cá, kéo vó hoặc lặn ngụp thỏa sức.
Sông Lê vốn là một hệ thống sông cổ được đào từ thời xa xưa để vận chuyển lương thực về phía Nam nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ và phát triển nông nghiệp. Hiện nay vẫn còn dòng sông mang tên sông Lê chảy qua Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn, Đông Sơn (trong đó có đoạn qua làng Hàm Hạ) rồi chảy xuống phía Nam TP Thanh Hóa trước khi vào Quảng Xương, Tĩnh Gia. Sông Lê đã ghi dấu ấn quan trọng suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và chống xâm lược của đất nước. Đáng tiếc, sau này sông Lê cứ hẹp dần lại rồi bị chia cắt từng đoạn, dòng nước không còn xuôi chảy nữa mà tù đọng, váng đục. Thời gian gần đây, các địa phương có sông Lê chảy qua đã quan tâm đầu tư khôi phục, nạo vét, khơi thông dòng chảy... để gìn giữ môi trường, phục vụ sản xuất, đời sống và cũng là bảo tồn một dòng sông huyền tích, con sông văn hóa quê hương.
Con sông thứ hai gắn chặt với cuộc sống của bà con làng Hàm Hạ chính là kênh Bắc (sông nông giang). Sông nông giang là một nhánh của sông Chu bắt nguồn từ Bái Thượng rồi đổ về Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn. Trong ký ức của lũ trẻ làng Hàm Hạ, sông nông giang thời đó trong xanh hiền hòa. Dòng sông ôm ấp vỗ về lũ trẻ giữa trưa hè nắng rát, khi chúng cùng nhau bơi lội hoặc cưỡi trâu vượt qua bờ bên kia để gỡ từng nhúm rau má mang xuống sông rửa sạch rồi chia nhau nhai ngấu nghiến. Sau nhiều năm khai thác, sử dụng, dòng sông thơ mộng ngày nào như nặng nề, ngưng chảy và đục ngầu bởi trăm thứ rác thải từ hai bên bờ, dẫu rằng trong nhiều năm, chính quyền đã có nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể khơi thông dòng chảy để con sông lại trong mát, ngày đêm cung cấp nước ngọt cho những vùng thâm canh nông nghiệp đang trăn trở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mang lại nguồn lợi ngày càng nhiều cho người lao động. Tuy nhiên, so với trước kia, đoạn bờ sông nông giang làng Hàm Hạ đã được rải bê tông từ cầu xóm Chủ đến cồn Thệ, nơi đó Nhà nước đã quan tâm xây dựng khu nghĩa trang khang trang để bà con có dịp chiêm bái và thành kính những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì nước, vì dân, tại đây cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của một số đảng viên đầu tiên của chi bộ Hàm Hạ và một số cán bộ thời khởi nghĩa. Khói hương ngày đêm vương vấn trên các phần mộ như các cụ vẫn đang thầm nhắc con cháu hãy cố giữ gìn dòng sông cho trong sạch để nguồn nước không bao giờ vơi cạn.
Từ sông nông giang, đi qua cây cầu chông chênh bằng vài thanh luồng cũ (nay đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cầu xi măng vững chắc) để qua sông Lê là gặp ngay giếng đá làng Hàm Hạ. Giếng đá có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng giếng không bao giờ cạn, mùa nào nước cũng mát lạnh và trong leo lẻo. Giếng đá đã từng chứng kiến bao cuộc hẹn hò đôi lứa, những buổi chia tay cảm động của trai tráng lên đường tham gia kháng chiến và giếng đá chính là nguồn nước phục vụ cuộc sống hàng ngày của bà con chòm xóm. Những đêm trăng sáng, lũ trẻ chạy quanh bờ giếng nô đùa và thỏa thích kéo từng gàu nước mát dội cho nhau. Giếng đá với lùm tre mượt mà kẽo kẹt dưới ánh trăng ngà đã là hình ảnh nhớ thương vời vợi khi những lớp thanh niên lớn lên, xa quê vào chiến trường chiến đấu. Sau một thời gian người ta đã lấp giếng để làm nhà, nay huyện Đông Sơn đã hoàn thành dự án khôi phục lại giếng đá trong cụm di tích lịch sử Hàm Hạ và vừa mới khánh thành.
Đối diện với giếng đá, bên kia đường cái quan là đình làng Hàm Hạ. Trước đây, trẻ con thường chơi khăng, đánh đáo tại sân đình. Đình làng vừa là nơi hội họp, vừa là nơi đập lúa, phơi rơm, chia thóc của đội sản xuất thời bao cấp và sau này khoán ruộng, đình làng còn là nơi tụ họp mỗi khi vào dịp tết đến, xuân về hoặc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, cộng đồng... chính tại đình làng này là địa điểm hoạt động của Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ngay tại làng Hàm Hạ vào ngày 25-6-1930. Sự ra đời của chi bộ này là một tất yếu của lịch sử, đáp ứng kịp thời sự đòi hỏi của phong trào cách mạng lúc bấy giờ, từ đó góp phần quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ tại các địa phương, đồng thời tiến tới việc thành lập Đảng bộ của tỉnh sau đó. Đình làng ấy gọi là đình làng Hàm Hạ, nơi đã trở thành di tích lịch sử cách mạng để mỗi dịp trọng đại, con cháu xa gần về chiêm bái tưởng niệm, mãi mãi nhớ ơn các bậc tiền bối và noi theo tiên tổ để cùng nhau cố kết cộng đồng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh.
Làng Hàm Hạ (nay là làng Đại Đồng, thị trấn Rừng Thông - trước đó thuộc xã Đông Tiến) đẹp và lãng mạn. Đây không chỉ là một làng ven đôi dòng sông Lê, sông nông giang (kênh Bắc), mà còn là địa chỉ văn hóa, in đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng của một vùng quê thân thương, thanh bình với truyền thống hào hùng đang ngày một đổi thay.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lang-ven-song-mot-dia-chi-do/121157.htm