Làng ven sông (Tiếp theo)
2. Chiến trường Tây Nguyên và Quảng Trị năm 1972 quả thật là khốc liệt. Bom đạn,chưa bao giờ Mỹ dùng nhiều đến thế, hết từ máy bay ném bom chiến lược B-52 lại đến từ các tàu chiến của hạm đội 7.
Mảnh đất bé nhỏ bị cày xới tung tóe, cảm tưởng chẳng sinh vật nào sống sót được, ngoài những người lính trinh sát. Chỉ mấy tháng vào chiến trường Thái và Quỳnh đã là hai tay bắn tỉa nổi tiếng cả sư đoàn, nổi tiếng về sự gan dạ, dũng cảm, nổi tiếng về nhanh nhẹn mưu trí. Để do thám các hoạt động của ta, địch thường thả những tốp biệt kích 2, 3 tên ăn mặc hệt quân giải phóng, xử dụng súng AK, len lỏi khắp nơi, đánh dấu những nơi đóng quân, kho tàng, trạm xá của ta rồi báo cho B-52 thả bom. Chúng có một ám hiệu với nhau là dùng khẩu AK đã tháo khuyên đầu nòng nên nếu nhìn từ xa, thật khó phát hiện. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, mang theo 3 bi đông nước và một ít lương khô, ngụy trang thật cẩn thận, Quỳnh thường nấp trên một ngọn cây để hỗ trợ cho Thái ở dưới đất, đón lõng những nơi thám báo có thể mò tới và tiêu diệt. Cả hai bây giờ đã là lính “cựu”. Đã rất quen với tiếng bom đạn chát chúa, với những cơn sốt rét nóng lạnh của núi rừng, những cơn đói triền miên và cả những giọt nước mắt khi lặng lẽ chôn đồng đội. Chỉ có điều lạ, cả hai chưa một lần dính chấn thương nào. Mỗi lần nhắc đến điều này, Thái hay cười:
- Cả làng cùng với các bạn chi đoàn và Bí thư Lệ phù hộ đấy.
Quỳnh cũng cười, mắt buồn nhìn đi nơi khác, nói khẽ:” có lẽ thế…” và nghĩ:” trừ Lệ”.
Cả tuần nay chiến trường im ắng một cách lạ thường. Chắc sắp có đánh lớn, ai cũng nghĩ thế. Lâu lắm mới được những giấc ngủ dài và được ăn cơm nóng. Thái và Quỳnh lại nằm rúc rích nói chuyện với nhau về quê hương.
- Bây giờ mà lại được nằm ở bờ sông, hút thuốc lá trộm và thi đánh rắm thì thích nhỉ.
Thái phì cười:” Ừ, có nhớ lần thằng Quang “ tèo” vô địch không?”
Chẳng là mấy thằng choai choai trong làng thường lén ra bãi ngô ngoài bờ sông, cuốn lá cây thuốc lá khô với quế, hút. Chán chê lại thi xem đứa nào đánh rắm tắt được đèn. Vén áo nằm cho lạnh bụng là cả bọn có thể đánh liên tục mấy cái liền, chẳng hiểu sao. Ngọn đèn chỉ lay lắt, đôi khi còn bùng cháy to hơn, trong rắm có khí mê tan hay sao í. Thằng Quang “ tèo” bé nhất bọn, nói lí nhí:” cho tớ thử với”. Rồi nó hít một hơi, phùng mang trợn má làm cái bủm thật to. Ngọn đèn tắt phụt. Cả bọn vỗ tay reo hò. Thái bật que diêm định thắp lại đèn thì thấy một cục cứt to nằm vắt ngang. Khủng khiếp!
- Khủng khiếp! Cả Thái và Quỳnh cùng bật lên và cùng cười ngặt nghẽo.
Bỗng nhiên tiểu đội trưởng xuất hiện:
- Hai đứa lên gặp “đại trưởng” kìa.
Một lúc sau mọi người đã thấy Thái và Quỳnh thay bộ đồ ngụy trang, lấy nhọ nồi bôi mặt cho nhau rồi lặng lẽ biến nhanh vào rừng rậm.
Thì lần nào cũng thế thôi, vài ba ngày nữa gặp lại, tiểu đội trưởng nghĩ.
Đến ngày thứ hai vẫn không thấy động tĩnh gì. Trên sư đoàn báo có trực thăng đêm hôm trước quần ở đây, khả năng rất cao chúng nó thả thám báo. Thái lẩm bẩm một cách sốt ruột:” Nào, mò ra đi các con, ra đi, muỗi cắn bố mày nhiều lắm rồi đấy.” Tự nhiên có gì lành lạnh bên lỗ tai, đó là một họng súng, và một giọng khàn khàn:” Nằm yên, buông tay ra khỏi súng, đ.m, động đậy tao bắn bắn bỏ!”
Thái giơ hai tay về phía trước, từ từ nằm ngửa ra và thấy gương mặt dữ tợn của hai thám báo ngụy. Một đứa gạt khẩu súng ra xa, một đứa dí họng súng vào mồm Thái:” Mầy định đi săn chuột nhắt hả mầy?”. Nó vừa nhếch mép định cười thì cả hai cùng hự hự và nằm vật ra. Từ trên cây cao Quỳnh bóp cò. Lát sau Quỳnh lò dò tới:
- Có sao không Thái, không bị gì chứ, đã lục soát chúng nó chưa?
- Cám ơn nhé, chẳng kịp rơi một sợi lông chân. Bắn gì mà tài thế, cả hai phát đều trúng tim khiến chúng nó chẳng kịp kêu tiếng nào.
Quỳnh cười:
- Thì cậu dậy tớ chứ ai!
Quỳnh lật hai cái xác, thấy hai gương mặt còn trẻ tơ. Dù là ai, khi chết, trông họ cũng hiền lành, đáng thương làm sao!
Nhìn nét mặt Quỳnh, Thái hiểu bạn đang nghĩ gì, nói:
- Cậu đã cứu mình!
Bất ngờ Thái đẩy Quỳnh ngã, hô:” địch!” và bắn một tràng về phía bụi cây trước mặt. Có tiếng rên. Quỳnh xông tới vạch bụi cây thì thấy tên thám báo thứ ba, mặt cũng non choẹt, tay ôm lấy ngực, mắt trừng trừng nhìn Quỳnh như ngạc nhiên điều gì, rồi gục xuống.
Quay về chỗ Thái, Quỳnh cười:
- Bây giờ tớ lại cám ơn cậu, hòa nhé!
Không nghe thấy tiếng trả lời, nhìn kỹ thì thấy Thái đã tắt thở, máu trong ngực tuôn ra xối xả, đôi mắt bạn vẫn mở nhìn về phía ngọn núi xa, hình như nơi đấy là phương Bắc.
Quỳnh lặng lẽ ngồi xuống bên Thái,lấy bàn tay run rẩy vuốt đôi mắt, gỡ khẩu súng vẫn đang bị nắm chặt, đầu dụi vào cái vai còn nóng hổi và ướt đẫm mồ hôi của bạn, nức nở khóc.
Một lúc rất lâu sau, dường như nước mắt đã cạn, Quỳnh đứng vụt dậy, xả cả băng đạn lên trời và thét lên một tiếng vang dội cả núi rừng đã sắp tắt nắng.
Thật tình cờ, cũng đúng lúc ấy, ở làng Thuận Mỹ, Lệ cũng hét lên một tiếng cùng tiếng oe oe của một cậu bé vừa chào đời.
* * *
Phải đến hơn một năm sau giấy báo tử mới đến tay ông Thời, cùng một lúc với cả bốn gia đình có con đi bộ đội đợt ấy. Chưa bao giờ làng Thuận Mỹ lại đau thương tang tóc và thấm đẫm nước mắt đến như vậy. 4 người hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, Thái ở Tây Nguyên. Trong buổi lễ truy điệu chung ở xã, ông Thời dường như đứng không vững, chỉ nói ngắt quãng qua hơi thở:
- Con cháu chúng ta nhất định…chưa chết đâu…khi nào chiến thắng…chúng sẽ về, chắc chắn sẽ về! Dân làng mình…hãy làm nhiều điều tốt hơn nữa…để ngày ấy…mau đến…để những đứa nhỏ trong làng…không còn…phải ra trận! Chỉ còn ít thời gian nữa thôi…các ông, các bà hãy cố lên!
Cả làng lần đầu tiên chứng kiến ông Thời khóc. Ông ôm chặt lấy bộ ngực còm cõi mà nức nở, quằn quại, những âm thanh phát ra từ cổ họng của ông nghe thật lạ lẫm mà vô cùng đau thương, tuyệt vọng, như tiếng kêu của con thú rừng, bị trúng đạn, trước khi chết.
Mọi người tản ra, chia nhau đến từng gia đình có tang để thắp hương và an ủi những người láng giềng tội nghiệp của họ.
Lệ rón rén bước đến gần bàn thờ, cắm que hương dưới ảnh Thái chụp hồi lớp 7, mặt như trẻ con, mà tim đau nhói:” Thái ơi, Lệ đây…!”
Quay ra ôm đôi vai tiều tụy của bà Ngót, cô thủ thỉ:
- Bác cố giữ sức khỏe cho mình và bác trai. Cần gì cháu sẽ giúp ạ.
Ông Thời tới gần bên cô, nói khẽ nhưng giọng đanh lại:
- Nếu thắp hương xong rồi thì cô ra khỏi nhà tôi đi!
Lệ khẽ “vâng”, lau nước mắt thất thểu bước đi.
Không một ai trong làng tin lời ông Thời ngày hôm đó, thế mà chỉ ba năm sau cả miền Bắc đã rộn ràng tiếng pháo mừng ngày giải phóng, loa phóng thanh phát mãi bài “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, mọi người ôm nhau khóc, cười, và hy vọng…
Ba tháng sau anh Hùng về làng xin cưới Lệ, đám cưới vô cùng đơn giản. Thằng Nam Tiến đã gần 4 tuổi, bẽn lẽn khi Hùng ôm vào lòng, nói:” sao bố đi lâu thế…”. Mẹ con Lệ vẫn ở lại làng còn anh thì quay về đơn vị.
* * *
Quỳnh xốc lại ba lô, hồi hộp bước qua cái cổng làng bé tý mà vô cùng thân thuộc, bên tai như vẫn thấy tiếng thét lanh lảnh của Thái và bọn trẻ con khi chơi trận giả ở đây:” Xung phoo…ng! Bùm thằng Quỳnh! Không, tao bùm mày trước, mày chết rồi!’’. Khi gió từ sông Đà thổi tới, mùi lúa vụ Hè-Thu đã chín thơm ngan ngát làm Quỳnh khẽ rùng mình, một giọt nước mắt nóng hổi bất ngờ lăn trên má, giọt nước mắt đầu tiên sau cái chết của Thái. Càng bước sâu vào làng Quỳnh lại càng thấy mặc cảm và tội lỗi. Tội lỗi vì mình còn sống. Mặc cảm vì từng ấy năm chinh chiến mà chẳng dính một vết thương nào.
Nhưng dân làng thì hoàn toàn khác. Họ reo hò, ôm, níu kéo, hỏi han đủ chuyện, mừng rỡ như chính người thân của mình trở về vậy. Ngay cả các gia đình có con hy sinh cũng vồn vã:” thế cháu có gặp thằng con bác không, có biết nó chôn ở đâu không…?”. Quỳnh ngỡ ngàng đến sững sờ. Ôi, đây là làng mình à, người làng mình sao mà tốt bụng và nhân hậu đến như vậy? Có lẽ chiến tranh, bom đạn, chết chóc đã xóa nhòa mọi thứ thân thuộc của cái làng này trong anh để hôm nay tất cả lại ùa về một lúc, cả những ký ức và những cảm xúc.
Người đầu tiên Quỳnh đến thăm nhà là bố của Thái, ông Thời. Căn nhà trước đây tấp nập, kẻ ra người vào, kể từ khi ông thôi làm chủ tịch kiêm chủ nhiệm hợp tác xã đã trở nên hưu quạnh, lành lạnh và âm u. Trên bàn thờ, ngoài hình vẽ bố mẹ ông, ảnh của Thái còn có thêm cả ảnh bà Ngót, không chịu được nỗi đau mất con, đã bỏ ông ở lại một mình hơn một năm nay. Quỳnh đặt lên bàn ba tấm huy chương, cái bút máy Trường Sơn có khắc tên Nguyễn Văn Thái và mảnh vải dù còn loang vết máu của bạn. Ông Thời nhìn trân trân tất cả kỷ vật đó, vuốt vuốt mảnh vải như muốn chạm vào con lần cuối, con mắt còn lại nhòe đi. Lát sau, ông hỏi khẽ:
- Nó đi có đau đớn không cháu?
Quỳnh nắm lấy tay ông, lắc đầu, nghẹn ngào:
- Thái đã cứu cháu bác ạ.
Ông Thái nhìn ra cửa:
- Cả dòng họ bác chẳng còn ai, đau lắm. Sau này bác có mệnh hệ gì, nhờ cháu…
Quỳnh không để ông nói hết câu:
- Bác cho phép cháu coi bác là ruột thịt, cháu sẽ chăm sóc cho bác, được không ạ.
Ngọn đèn dầu trên bàn thờ bỗng tự nhiên nhấp nháy làm gương mặt Thái trong ảnh như đang thoáng nở nụ cười…
Mấy ngày hôm sau, cuộc gặp tình cờ với Lệ ở cây đa cuối làng lại làm Quỳnh bất ngờ lần nữa. Lệ không hề xấu hổ vì câu chuyện của mình mà lao đến ôm lấy người bạn thân từ nhỏ, khóc nức nở: “Mình đã mong mãi ngày này! Tha lỗi cho mình nhé Quỳnh, mình có lỗi, lỗi lớn…”. Bao nhiêu oán hận, bao nhiêu những lời nói cay nghiệt định dành cho Lệ tan biến đi đâu mất, Quỳnh đang ôm trong vòng tay cô bạn học xinh đẹp đến vô cùng và cũng đau khổ đến vô cùng. Nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt, Quỳnh bỗng dưng hình dung được tất cả những gì Lệ đã phải chịu đựng.
- Không sao đâu Lệ. Chúng mình đã từng thông cảm với các chị bỏ làng đi như thế nào, Lệ nhớ không? Huống hồ bây giờ cha đứa bé đã quay về, Lệ đã có một gia đình hạnh phúc, hãy quên mọi chuyện đi và cũng đừng giận dân làng, Lệ ạ!
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lang-ven-song-tiep-theo-a14975.html