Làng Việt Minh ở Khuổi Lếch
Di tích Làng Việt Minh ở Khuổi Lếch nay đổi tên thành thôn 1, xã Trung Trực (Yên Sơn) là nơi ở và làm việc của các cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tại đây cuối năm 1944 đầu năm 1945, các đồng chí cán bộ cách mạng đã tuyên truyền, vận động đường lối cách mạng, giác ngộ và lãnh đạo quần chúng nhân dân trong vùng mở rộng mặt trận Việt Minh, phát triển phong trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 2011, di tích Làng Việt Minh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Di tích Làng Việt Minh ở thôn 1 nằm cách UBND xã Trung Trực khoảng 9 km về hướng Nam. Đây là địa điểm an toàn, kín đáo, thuận tiện liên lạc vì địa điểm này giáp ranh với xã Tân Tiến và có thể đi đến các xã Kiến Thiết, Xuân Vân, Tân Long rất thuận tiện, đặc biệt nhân dân nơi đây có tinh thần yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1944, các đồng chí cán bộ cách mạng đầu tiên đến gây dựng cơ sở ở Khuổi Lếch bao gồm các đồng chí Hải Quỳnh, Hồng Thái, Khánh, Ngân Thùy, Tùng, Long, Khánh... Khi đến đây ở và làm việc, các cán bộ cách mạng không làm nhà riêng mà chia nhau ở nhờ nhà dân địa phương trong vùng. Đó là nhà ông Khán Nam, Linh Văn Tề, Linh Văn Hinh, Bàn Văn Báo thuộc thôn Khuổi Lếch và thôn Khuổi Lọc, nay là thôn 1 xã Trung Trực. Mỗi nhà có 2 đến 3 cán bộ ở và làm việc.
Có thể nói, sự ra đời của Làng Việt Minh là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng ở huyện Yên Sơn. Phong trào cách mạng ở đây được phát triển và lan rộng tới các vùng xung quanh, làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ. Đó cũng là một trong những tiền đề để Tuyên Quang trở thành tỉnh sớm khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Do có sự giác ngộ cách mạng từ rất sớm, có Đảng dẫn đường, bao năm qua người dân thôn 1 luôn thủy chung, son sắc theo cách mạng. Chi bộ thôn từng bước được củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng chí Lương Viết Dư, dân tộc Tày, Bí thư chi bộ thôn 1 xã Trung Trực cho biết, hiện nay thôn có 96 hộ với 392 nhân khẩu, dân tộc Tày, Dao là chính, chủ nhân xa xưa của vùng đất này. Chi bộ thôn có 11 đảng viên, trong đó đảng viên trẻ 5 đồng chí, đảng viên người dân tộc thiểu số 8 đồng chí.
Ông Nguyễn Hữu Gia, 82 tuổi, người Hà Tây cũ lên đây đi xây dựng vùng kinh tế mới chia sẻ, năm 1965 ông lên đây, thôn 1 vẫn là vùng đất hoang vu. Thôn chỉ có một số hộ dân tộc Dao Coóc mùn. Có đất tốt, đất rộng gia đình ông chăm chỉ trồng cây lấy gỗ, đắp ao thả cá, trồng cây ăn quả, trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm cuộc sống cũng từng bước ấm no, đầy đủ. Ông rất tự hào khi chính mảnh vườn đồi nhà ông trước kia lại là di tích Làng Việt Minh xưa. Sống trên mảnh đất nhiều ân tình như vậy, ông Gia luôn động viên con cháu phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hiện nay người dân thôn 1 rất mong các cơ quan chức năng cắm bia di tích, quy hoạch, phục hồi tôn tạo một số ngôi nhà di tích ở Làng Việt Minh xưa để góp phần gìn giữ di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ mai sau.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/lang-viet-minh-o-khuoi-lech-197556.html