Làng xôi đỏ lửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu lễ bái đầu năm
Đến với làng Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) vào những ngày Tết đến, xuân về, không khí tất bật, rộn rã khác hẳn với không khí tĩnh lặng của thủ đô Hà Nội những ngày đầu năm. Nhờ tục lệ đi lễ cầu may đầu năm mới mà nhiều hộ làm nghề truyền thống tại đây đã quen thuộc với việc thổi các loại xôi sặc sỡ sắc màu, để phục vụ nhu cầu đi lễ của người dân từ mùng 1 Tết.
Không khí rộn rã ngày đầu xuân
Dẫn chúng tôi tới các hộ làm xôi, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng vừa cưới nói vui tươi vừa kể, ở làng Phú Thượng (thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) có 3 làng cổ, làng Thượng Thùy còn gọi là làng “Bạt”, làng Gia Phú là làng “Gạ”, làng Phú Xá là làng “Xù” trong đó có làng Gạ nổi tiếng hơn cả với nghề nấu xôi. Ngay trước giao thừa, người dân nơi đây đã tất bật chuẩn bị thổi những loại xôi như đỗ xanh, gấc, cốm… để đưa tới các điểm đặt hàng vào sáng mùng 1 Tết, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân dâng xôi lễ Phật, lễ Thánh cầu may đầu năm mới.
Xôi của người làng Gạ sẽ được đưa tới những điểm bán đồ lễ tại các đền, chùa, miếu, phủ… trên kháp thủ đô. Chỉ tính riêng trên địa bàn của quận với các địa điểm di tích tâm linh như Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh… đã tiêu thụ hàng chục tạ xôi cúng mỗi ngày. Đây cũng là nguồn thu lớn của người dân Phú Thượng ngay từ những ngày đầu năm mới.
Chúng tôi đã có mặt tại nhà anh Nguyễn Đình Dũng (sinh năm 1973, tổ 17, cụm 3, phường Phú Thượng) khi cả gia đình đang bận rộn chuẩn bị từ công đoạn đầu tiên đến khi thổi xôi xong. Anh Dũng chia sẻ, xôi cúng thường là xôi đỗ xanh và xôi gấc vì yêu cầu của khách hàng cần sự trình bày bắt mắt để cúng bái Phật, Thánh nên các công đoạn chuẩn bị sẽ được đẩy lên sớm hơn so với nấu xôi ăn sáng hàng ngày. Anh Dũng cho biết, từ trước rằm tháng Chạp tới nay, gia đình anh và nhiều gia đình khác làm việc không ngừng nghỉ, mỗi hộ cho ra lò vài tạ xôi thành phẩm mỗi ngày mới đủ cung ứng cho nhu cầu dâng lễ của người dân thủ đô.
Anh Dũng cũng không ngại ngần chia sẻ, để xôi ngon, trước tiên, nguyên liệu phải được chọn kỹ lưỡng từ gạo nếp, gấc, lá nếp, đậu xanh, lạc… Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều từ vùng Hải Dương, Hải Hậu (Nam Định), Bắc Ninh, Thái Bình; gấc chọn những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa; còn đối với lạc, cần lựa chọn những hạt lạc có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngon hơn… Gạo được ngâm khoảng 10 tiếng trước khi vo, các nguyên liệu như gạo, đỗ sẽ được ngâm sau. Tùy thuộc vào các loại xôi mà người thợ sẽ chọn nguyên liệu trộn lẫn vào gạo trước khi đưa đi đồ. Sau khi được đồ chin xôi sẽ được dàn đều ra cho nguội rồi mới đồ lại lần hai cho dẻo và không bị lại gạo trong thời tiết giá rét.
“Thương hiệu xôi của làng Gạ phải bảo đảm yếu tố về hương vị, màu sắc cũng như chất lượng của xôi. Một đĩa xôi ngon phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, công đoạn nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải cẩn trọng, đặt cái “tâm” của mình vào đó” - anh Dũng chia sẻ.
Mở rộng quy mô nhưng vẫn bảo lưu giá trị truyền thống
Bà Nguyễn Thị Tuyến - một người nấu xôi lão luyện tại làng Phú Thượng chia sẻ, người xưa có câu “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết Thầy” nhưng với gần 600 hộ làm nghề tại làng Phú Thượng sẽ có thêm một ngày quan trọng nữa đó là ngày mùng 8 âm lịch hàng năm. Đó vừa là hội làng vừa là dịp những người làm nghề bày tỏ lòng thành kính với tổ nghề thông qua hoạt động thi nấu xôi và lễ hội xôi.
“Làng Gạ, cả làng nấu xôi, thế hệ này truyền cho thế hệ khác, nghề nấu xôi cứ thế được gìn giữ suốt nhiều đời. Xôi làng Gạ cũng có nhiều hương vị và thành phần mà đặc trưng là xôi vừng dừa và xôi gấc. Được dùng vào nhiều mục đích khác nhau, xôi ăn sáng, xôi cúng, xôi tiệc cưới, tiệc sinh nhật, tiệc chiêu đãi và nắm xôi be bé thơm ngon ấy còn được làm quà người ta biếu cho nhau ấm lòng. Nghề nấu xôi đã góp phần quan trọng để người dân làng Gạ xóa được đói, giảm được nghèo, làm giàu chính đáng” - bà Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, năm 2016, làng nghề nấu xôi Phú Thượng đã được TP. Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Trên toàn bộ địa bàn phường hiện có khoảng 600 hộ làm nghề nấu xôi, mỗi ngày tiêu thụ gần 10 tấn gạo mang lại hiệu quả kinh tế cho hội viên.
Tự hào nhớ lại về kỷ niệm năm 2019, bà Loan chia sẻ, bà và nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã vinh dự được mang xôi Phú Thượng đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế. Đến nay, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ mà các sản phẩm xôi chè, xôi ngũ sắc, xôi xéo của làng đã đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP. Nhiều hộ gia đình có đến 3 thế hệ làm nghề nấu xôi và nay họ còn mở rộng làm thêm các sản phẩm oản. Hàng ngày, các hộ gia đình trong làng đều nấu xôi đem bán tại nhiều chợ truyền thống rồi cung ứng cho các khách sạn, nhà hàng.
Ngày nay, tại làng Gạ bếp điện đã thay rơm, than, củi cũng như máy xay thay cho việc giã cối,... giúp người làm xôi bớt cực nhọc. Người làng Gạ đã áp dụng công nghệ hiện đại vào đồ xôi. Đồ thủ công ngày xưa đã được thay thế bằng chõ xôi cỡ lớn bằng điện.
Tuy nhiên, tất cả những người dân đều luôn nhắc nhở nhau những bí quyết riêng có để duy trì sự đặc sắc cho sản phẩm của làng. Chính quyền phường Phú Thượng cũng liên tục nâng cao công tác đào tạo tập huấn cho các hộ làm nghề truyền thống gìn giữ những tinh hoa của làng nghề, đồng thời, thường xuyên cập nhật các mẫu trình bày mới, nguyên liệu luôn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm để người tiêu dùng không chỉ thưởng thức xôi ngon mà còn thỏa mãn ngắm nhìn xôi như một tác phẩm nghệ thuật.