Langbiang vào mùa 'bắt 'chồng

Những đôi chân trần bấm nhịp theo tiếng chiêng bập bùng nhảy quanh đống lửa không biết mỏi. Khi đã chếnh choáng hơi rượu cần lên men bằng lá cây rừng, đôi bàn tay của các chàng trai, cô gái mới lớn đang bẽn lẽn bỗng mạnh dạn siết chặt vào nhau. Cao nguyên Langbiang vào mùa 'bắt' chồng của các thiếu nữ K'ho từ những đêm xuân tình tứ như thế.

Hành trình “bắt“chồng của thiếu nữ K’ho

Người K’ho trên cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng) theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ luôn là trụ cột chính trong gia đình, toàn quyền quyết định mọi vấn đề hệ trọng. Ngay cả trong đời sống hôn nhân, họ cũng là người chủ động đi bắt chồng. Đến tuổi cập kê, thiếu nữ K’ho chuyên cần làm đẹp, chỉnh trang thân hình và thường đi chơi xa cùng nhóm bạn trong buôn. Những đêm xuân dài dưới chân núi Langbiang luôn là chất xúc tác cho những chàng trai, cô gái K’ho xích lại gần nhau hơn. Nếu như nhiều dân tộc khác, con trai nắm quyền chủ động trong việc tìm kiếm bạn đời thì người K’ho ngược lại. Bước vào tuổi yêu, những cô gái thường diện các bộ trang phục thổ cẩm lộng lẫy nhất để tham gia lễ mừng lúa mới, thôi nôi, đâm trâu… và những buổi sinh hoạt cộng đồng.

Dưới ánh lửa bập bùng, tiếng chiêng lúc trầm, khi bổng, lúc da diết nhớ thương, khi thổn thức ước mong, cứ thế hối thúc, ngân vang, cùng với hơi men rượu cần càng khiến các cô gái chếch choáng, thăng hoa. Những sơn nữ với thiên bẩm ca hát ra sức thể hiện các vũ điệu hoang vu xuất phát từ thời khởi thủy của người K’ho. Ai cũng cố gắng chứng tỏ mình là cô gái tuyệt vời nhất trong mắt các chàng trai tham dự đêm hội.

Khi ngoài bìa rừng, tiếng gà gáy le te báo hiệu khoảnh khắc chuyển canh thì cũng là lúc những đôi bàn tay của các cô gái, chàng trai mạnh dạn siết chặt vào nhau. Đã chọn được tình nhân, thêm vài bận hẹn hò ở bờ này, bụi nọ, “ưng cái bụng” chàng trai nào đó, cô gái K’ho sẽ chủ động đòi cha mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề bắt chồng về chung sống với mình. Mùa xuân, cao nguyên Langbiang tràn ngập những ngày vui của các chàng trai, cô gái đi tìm bạn đời dưới ánh trăng xuân.

Lễ đi hỏi của nhà gái thường bắt đầu khi mặt trời đã khuất dãy Langbiang. Lúc này tất cả thành viên trong gia đình nhà trai ở trên rẫy sau một ngày làm việc đã trở về nhà. Thủ tục đi ăn hỏi của người K’ho rất đơn giản, chỉ một vòng đeo tay và một dây nhòng bằng đồng hoặc bạc. Trong ngày gặp mặt, nhà gái bắt buộc phải có bà mối. Người này đứng ra thực hiện các nghi thức truyền thống, chủ trì cuộc nói chuyện giữa đôi trai gái và gia đình hai bên. Khi đã đầy đủ những thành viên trong gia đình nhà trai, nhà gái đặt vấn đề xin bắt chàng trai về ở rể nhà mình. Cùng lúc này, bà mối đeo nhòng vào cổ chàng trai. Thông thường phía nhà trai sẽ “làm cao”, từ chối việc xin bắt chồng của phía nhà gái bằng cách trả lời là: “Con trai tôi còn trẻ, đang ăn bám bố mẹ, chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu. Anh chị thông cảm!..”.

Không như nhiều dân tộc khác, khi bị từ chối cầu hôn sẽ tự ái bỏ về hoặc không còn thiết tha chuyện đi bắt chồng nữa. Nhưng với người K’ho, lễ cầu hôn thực chất là một cuộc đấu trí giữa gia đình hai bên mà bên nào mạnh lý lẽ sẽ là người chiến thắng. Khi nhà trai từ chối gả con, phía nhà gái tiếp tục thuyết phục: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày, con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi!...”. Nếu người con trai thật sự không bằng lòng để người con gái bắt mình về nhà họ, sẽ trả lời: “Hôm nay con không lấy, ngày mai con cũng không lấy!..”, sau đó tháo nhòng vừa được nhà gái đeo vào cổ bỏ xuống bàn.

Việc từ chối cầu hôn này sẽ làm tổn thương tới danh dự của phía nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng. Nhà gái chỉ cầm vòng tay và nhòng, toàn bộ số tiền hoặc sản vật được bồi thường đều dành cho mai mối. Không sớm bỏ cuộc, khoảng một tuần sau, nhà gái cùng bà mối lại đến nhà trai đặt vấn đề bắt chồng cho con. Những lý lẽ thuyết phục nhất sẽ tiếp tục được hai bên đưa ra để đấu trí. Nếu nhà gái vẫn thua, nhà trai chưa chịu cho bắt chồng thì nhà trai lại phải nộp tiền bồi thường danh dự, trả lại vòng tay và nhòng về cho nhà gái.

Theo phong tục của người K’ho, chàng trai đang trong thời gian có cô gái săn hỏi bắt về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác. Và cũng không cho phép bất cứ cô gái nào đến đặt vấn đề bắt chàng trai này về làm chồng.

Chuyện “ăn trái cấm” không chịu làm chồng

Trai gái người K’ho ở Lâm Đồng khi đã “ưng cái bụng” của nhau, nếu thích hai người có thể chung sống như vợ chồng mặc dù phía nhà gái chưa chính thức đi hỏi. Những đôi lứa “ăn cơm trước kẻng”, đã chung sống với nhau như vợ chồng, việc hoàn tất các thủ tục để tiến tới hôn nhân không mấy khó khăn. Những trường hợp như vậy, nhà gái vẫn chọn ngày lành tháng tốt sắm vòng tay và nhòng đến nhà trai xin bắt chồng về cho con. Nếu chàng trai vẫn chưa chịu về nhà vợ làm chồng, bà mối sẽ hỏi người con gái: “Chúng mày yêu nhau sao giờ nó không chịu nhận làm chồng mày?”. Cô gái trả lời: “Dạ, chúng con yêu nhau như vợ chồng!..”. Bà mối tiếp tục dồn nhà trai vào thế yếu lý, thiếu lẽ: “Chúng mày yêu nhau da đã chạm da, thịt đã chạm thịt rồi phải không?...”. Chỉ chờ câu hỏi này, người con gái sẽ kể lại tường tận việc làm chuyện “vợ chồng” từ khi nào cho gia đình hai bên nghe nhằm mục đích buộc chàng trai phải có trách nhiệm làm chồng của mình.

Thế nhưng, cũng có những chàng trai K’ho vốn “cứng đầu”, không chịu nhận trách nhiệm làm chồng mặc dù đã ăn nằm với người con gái từ lâu. Những người con trai “dám làm không dám chịu” này thường bị nhà gái phạt vạ rất nặng. Vật nộp phạt có thể là một con trâu mộng hoặc một khoản tiền mặt tương đương. Nếu gia đình nhà trai nộp phạt thỏa đáng nhà gái mới cảm thấy danh dự không bị xúc phạm. Nộp phạt ít, nhà gái thường tự ái bỏ về mà không cần bất cứ vật phẩm phạt vạ nào. Những chàng trai kiểu vậy thường bị các cô gái khinh rẻ vô cùng. Chàng trai nào mang điều tiếng này rất khó có người bắt về làm chồng.

Không gian một lễ cưới của người K’ho ở Lâm Đồng.

Không gian một lễ cưới của người K’ho ở Lâm Đồng.

Với người K’ho, thông thường lễ cưới chỉ diễn ra khi các cặp vợ chồng đã có con với nhau. Nếu không có con, dứt khoát không thể tổ chức đám cưới. Khi đã bắt được chàng trai về làm chồng, nhà gái sẽ mở tiệc đãi nội bộ gia đình nhà trai. Khi lễ cưới được tổ chức, quan viên hai họ mới được mời tới ăn mừng. Với người K’ho, các cặp vợ chồng có thể thoải mái lựa chọn thời điểm tổ chức đám cưới sau khi đã có con. Có những đám cưới được tổ chức tưng bừng dưới chân núi Langbiang kéo dài đến hai, ba ngày nhưng cô dâu, chàng rể là những người đã có với nhau vài ba mặt con, thậm chí có đôi tóc đã bạc trắng, răng đã lung lay nhưng đó chính là lần đầu tiên trong đời họ được tổ chức đám cưới.

Trong lễ cưới, để thể hiện sự hiếu thảo của con cái, đôi vợ chồng này bắt buộc phải biếu bố mẹ chồng một con heo lớn. Riêng anh, chị, em, chú, bác nhà chồng, nếu ai có khả năng nhận lễ vật đều có thể yêu cầu đôi vợ chồng mới cưới phải tặng cho mình một lễ vật, đó có thể là tiền, vàng, vải lụa. Ngược lại, để thể hiện sự quan tâm tới đôi vợ chồng, bố mẹ, anh, chị, em, chú, bác phía nhà chồng sau khi nhận lễ vật phải cho lại một con trâu hoặc vật chất khác trị giá lớn hơn vật phẩm mà đôi vợ chồng mới cưới đã biếu, tặng.

Đám cưới là một thủ tục không quá quan trọng với người K’ho nhưng không thể không tổ chức. Nếu cha mẹ chưa mở tiệc cưới đãi buôn làng thì con của họ không được phép tổ chức đám cưới với người mình yêu, mà chỉ được về chung sống với nhau như vợ chồng. Nói cách khác, tập tục bất di bất dịch, cha mẹ phải là người tổ chức đám cưới trước con cái.

Ngày nay, tục cưới xin và bắt chồng của thiếu nữ K’ho ít nhiều đã thay đổi, các nghi thức rườm rà dần được loại bỏ. Tuy nhiên, những nghi thức đã được thời gian chứng minh là nét văn hóa của cộng đồng người K’ho thì vẫn được tuân thủ, gìn giữ và trở thành luật tục.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/langbiang-vao-mua-bat-chong-i641960/