Lãnh đạo bộ, ngành làm rõ tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tại diễn đàn người lao động 2023 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã làm rõ các vấn đề liên quan về tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH.
Nợ đóng BHXH, hàng trăm nghìn lao động lao đao
Tiếp tục nêu ý kiến tại diễn đàn Người lao động năm 2023 chiều 28/7 tại hội trường Diên hồng, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai chia sẻ được ra Hà Nội nhiều lần, nhưng lần này ông có một cảm xúc rất đặc biệt và trách nhiệm cũng rất nặng nề.
Cho biết có nhiều đoàn viên gửi gắm tâm tư, nhưng ông nêu ý kiến về vấn đề bảo hiểm xã hội, một vấn đề nóng và công nhân rất quan tâm.
Gần đây, khi một số công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở lấy ý kiến công nhân lao động về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến băn khoăn: Qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội gần đây, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm - ví dụ như nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ (tăng 5 năm so với trước đây);
Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%. Đây là những băn khoăn, lo lắng của người lao động.
Trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây, ông Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Bà Lương Thị Tho (công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, Tp.Hải Phòng) cho biết, công nhân lao động rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Để giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.
Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn để người lao động không phải chọn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với việc công đoàn khởi kiện bảo hiểm xã hội, đến nay vẫn bế tắc, mặc dù công đoàn hết sức cố gắng, nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Bà Tho đề nghị Quốc hội sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn.
Đề nghị bỏ quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội: Công đoàn khởi kiện phải được người lao động ủy quyền, vì Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động theo Điều 10 Hiến pháp và Điều l Luật Công đoàn.
Nếu yêu cầu người lao động ủy quyền sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, đối với những doanh nghiệp đông công nhân, vài chục nghìn người thì sẽ rất tốn kém thời gian, công sức và thiếu tính khả thi, thay vào đó, chỉ cần người lao động đề nghị với Công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ.
Bà Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La cho biết, qua báo chí được biết hiện nay, nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư Quỹ lớn.
Trong khi đó, chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động còn thấp so với mức lương tối thiểu, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho các nội dung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động còn hạn chế.
Đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch bênh Covid-19 vừa qua.
Là cán bộ công đoàn, bà Lê Thị Hà, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May Minh Anh, tỉnh Nghệ An, cho biết rất bức xúc trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn người lao động lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.
Qua chia sẻ của đồng nghiệp ở nhiều doanh nghiệp cả nước khi phải chứng kiến cảnh rất nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, có bạn công nhân con đã 8 tuổi mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì; nhiều người lao động thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7-8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu, có người về vợ nghi ngờ “hay là gửi lương hưu cho người khác rồi”.
Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để còn lo cho cuộc sống trước mắt.
“Nếu cứ để như thế, chúng ta đang nợ và có lỗi với người lao động, vì họ chỉ biết đóng đủ, chứ họ không biết gì đến lỗi của người khác, còn hậu quả thì chính họ phải gánh chịu”, bà Hà.
Giải pháp ngăn chặn việc trốn đóng bảo hiểm
Trả lời về nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8 tới, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét với tinh thần chung là tập trung chỉnh sửa những bất cập và mở hướng phát triển bảo hiểm linh hoạt đa tầng, đồng thời tăng quyền lợi của người lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tập trung 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo Nghị quyết 28 của Trung ương gồm có: Xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng; hạn chế tối đa rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với giải pháp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo trình với Thường vụ Quốc hội các phương án khác nhau theo hướng vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đảm bảo cho người lao động khi thật sự cần vẫn có thể rút nhưng phải hài hòa.
Cùng với đó, cũng có chính sách đảm bảo cho người lao động không cần rút bảo hiểm xã hội một lần mà vẫn có chính sách bù đắp hỗ trợ khi khó khăn.
Về chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung đẩy nhanh triển khai các giải pháp khắc phục việc chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, trong đó có áp dụng tất cả các giải pháp mà các nước trên thế giới đang áp dụng để ngăn chặn việc trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với bảo hiểm thất nghiệp, đây chính là “bà đỡ” của thị trường lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi đồng thời với sửa Luật Việc làm trong năm 2025.
Theo ông Dung, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay ở mức độ an toàn, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta là 100 ngàn tỷ đồng, nhưng đã sử dụng 41 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người lao động thất nghiệp trong đại dịch Covid-19. Hiện nay, tình hình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên nhiều nên kết dư Quỹ ở mức độ an toàn, chứ cũng không còn nhiều.
Làm rõ thông tin về tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nếu số nợ chậm đóng BHXH từ năm 2016 là 6% trên tổng thu BHXH trong 1 năm, đến năm 2022 đã giảm xuống còn 2,91% trên tổng thu trong 1 năm. Điều đó thể hiện sự quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và sự phối hợp của BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
“Chúng tôi rất chia sẻ với tình hình nợ đóng BHXH với người lao động. Ngành BHXH rất trăn trở về vấn đề này”,ông Mạnh nói.
Ông Mạnh cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể như thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình của doanh nghiệp.
Trên cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành BHXH Việt Nam, phân tích rủi ro, nhận diện doanh nghiệp có khả năng chậm đóng, trốn đóng BHXH. Năm 2021, BHXH Việt Nam đã xây dựng ứng dụng VssID-BHXH số.
Đến nay, trong ứng dụng này đã thông báo tình hình chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên của tất cả doanh nghiệp, người lao động có thể theo dõi.
Trên cơ sở đó, cùng với tổ chức công đoàn, BHXH đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Thành lập ban chỉ đạo thu hồi nợ BHXH của 63 tỉnh thành, cơ bản là chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tính riêng năm 2022, cơ quan BHXH đã thu hồi được 3.200 tỷ đồng cho người lao động; tỉ lệ trước và sau thanh tra là 93%.
Ngoài ra, cơ quan này đã sử dụng các biện pháp khác như: Công khai nợ, chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan công an để xem xét khởi tố theo quy định.
Căn cơ là sửa đổi Luật BHXH tới đây cần đưa vào các biện pháp mạnh để doanh nghiệp chấp hành như cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh…..