Lãnh đạo cấp cao PAN được chi trả thù lao bao nhiêu trong quý đầu năm?

Trong quý I/2025, Tập đoàn PAN chi gần 3,2 tỷ đồng cho dàn lãnh đạo, riêng CEO Nguyễn Thị Trà My nhận hơn 3 tỷ đồng – trung bình 1 tỷ mỗi tháng.

Trong quý đầu năm 2025, Tập đoàn PAN (mã: PAN) đã chi gần gần 3,2 tỷ đồng thu nhập cho dàn lãnh đạo cấp cao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, riêng Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Trà My được chi trả hơn 3 tỷ đồng (xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái), trung bình 1 tỷ đồng/tháng.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng 60 triệu; các thành viên lãnh đạo khác như: bà Hà Thị Thanh Vân, Phạm Viết Muôn, bà nguyễn Vũ Thùy Hương, ông Nguyễn Duy Khánh, ông Bùi Xuân Tùng đều cùng nhận 45 triệu.

Thu nhập dàn lãnh đạo của PAN

Thu nhập dàn lãnh đạo của PAN

Bà Trà My ngoài đảm nhiệm vị trí CEO của PAN, còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HOSE: NSC). Về sở hữu, bà Trà My đang nắm giữ 4.600 cp NSC (0,03%). NSC nằm trong hệ sinh thái của PAN.

Tại Vinaseed, thu nhập của bà My không được công bố chi tiết. Thu nhập của dàn lãnh đạo tại NSC trong quý I/2025 đạt hơn 5,4 tỷ đồng, tăng tới 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ông Nguyễn Quang Trường là hơn 2 tỷ đồng, còn lại 3,4 tỷ đồng chi cho các thành viên ban điều hành.

Quay trở lại với PAN, trong quý I/2025, doanh nghiệp ghi nhận, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành 16% so với kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế lĩnh vực nông nghiệp tăng 20% lên 171 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lĩnh vực thủy sản giảm 13%, về 61 tỷ đồng; và lợi nhuận trước thuế lĩnh vực thực phẩm đóng gói đạt 34 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của PAN 25.871,3 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có khoản tiền và các khoản tương đương tiền 2.250 tỷ đồng; Trong đó, có tới 2.240 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Chứng khoán kinh doanh khá lớn với 11.755 tỷ đồng, tăng 18,8% so với đầu năm. Theo thuyết minh, đây là khoản gồm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 thsng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất áp dụng.

Như vậy, riêng chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi ngân hàng của PAN đã có tới gần 14.000 tỷ đồng. Khoản tiền gửi khủng nên lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay của PAN trong quý I/205 đạt gần 110 tỷ đồng.

Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 840 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 3.396,7 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả ở mức 16.868,5 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm, phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 16.372,5 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn ở mức 14.062 tỷ đồng, tăng 22,3% so với đầu năm, nợ dài hạn 108 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của PAN đạt hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 2.163 tỷ đồng, lãi sau thuế chưa phan phối đạt hơn 1.786,4 tỷ đồng.

Qua báo cáo tài chính của PAN cho thấy tiềm lực tài chính vững vàng với lượng tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi lên tới gần 14.000 tỷ đồng – một con số khủng, đảm bảo sự linh hoạt về thanh khoản và mang lại nguồn thu tài chính ổn định. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận duy trì tích cực, đặc biệt ở mảng nông nghiệp – trụ cột sinh lời chủ lực.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những rủi ro nhất định: cơ cấu nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn làm gia tăng áp lực tài chính; hiệu quả sử dụng vốn còn dư địa để cải thiện. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, PAN sẽ cần linh hoạt tái phân bổ dòng tiền và đẩy mạnh hiệu quả các mảng kinh doanh cốt lõi để tiếp tục khẳng định vị thế trong hệ sinh thái nông nghiệp – thực phẩm Việt.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/lanh-dao-cap-cao-pan-duoc-chi-tra-thu-lao-bao-nhieu-trong-quy-dau-nam-142976.html