Sửa đổi Luật Hải quan tạo sức bật cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp

Luật Hải quan sửa đổi có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, sức bật mới cho hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nguồn: APCI 2022 Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: APCI 2022 Đồ họa: Phương Anh

Yêu cầu phát sinh từ thực tiễn

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết có liên quan, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành về tài chính - ngân sách để đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8% trở lên.

Hiện đại hóa hải quan, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp

Các nội dung dự kiến sửa đổi tại Luật Hải quan sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong quản lý của cơ quan hải quan. Đồng thời, những nội dung sửa đổi cũng tạo tối đa điều kiện cho các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro về vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện đầy đủ các cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan.

Trên thực tế, chính sách pháp luật của ngành Tài chính đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đơn cử như tại Điểm d khoản 4 mục V Điều 1 Quyết định số 1018/QĐ-TTg (ngày 21/9/2024) của Thủ tướng về Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050 quy định rõ: “Thiết lập cơ chế làn xanh và các cơ chế khác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện liên quan đến công nghiệp bán dẫn, thiết bị dân dụng, chuyên dụng thế hệ mới”.

Theo Bộ Tài chính, công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là động lực phát triển nền tảng cho các tiến bộ về khoa học, công nghệ trong thời đại mới và cũng góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định về kinh tế chính trị trước sức ép ngày càng lớn trong cạnh tranh toàn cầu. Hiện nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và trong nước, nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong đó chính sách tạo thuận lợi thương mại và ưu đãi thủ tục hải quan là một phần trong đó.

Tạo môi trường thông thoáng thúc đẩy công nghiệp bán dẫn

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Pháp chế, Cục Hải quan cho hay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Hải quan có nhiều điểm mới, đáp ứng các chỉ đạo tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Đứng trước yêu cầu từ thực tế, việc sửa đổi, bổ sung điều kiện, chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp và bổ sung quy định liên quan đến quy định về kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ vào Luật Hải quan để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW là đặc biệt cần thiết.

Theo quy định hiện hành về chế độ ưu tiên, tại Luật Hải quan chưa có quy định điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên riêng theo yêu cầu, định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn. Việc áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định hiện hành đòi hỏi quy mô về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn, chưa phù hợp với yêu cầu tạo điều kiện phát triển các dự án công nghiệp bán dẫn có quy mô đa dạng từ nhỏ, vừa đến lớn; doanh nghiệp bán dẫn mới đi vào hoạt động.

Về điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan cũng đang phát sinh vướng mắc, cần phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế, tạo thuận lợi, thu hút đầu tư ngay từ đầu, phù hợp với tốc độ phát triển, đổi mới nhanh của các ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo đó, tại Điều 42 Luật Hải quan bổ sung quy định điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện...

Điều 43 Luật Hải quan bổ sung quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp nêu trên theo hướng: Chế độ ưu tiên được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ số trọng điểm theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất ban hành.

Ngoài ra, bổ sung vào quy định tại Điều 47a về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Quy định mới này nhằm giảm thời gian, thủ tục và chi phí quản lý hành chính công cho cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan (cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, thuế nội địa), đồng thời giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của cơ quan hải quan nói riêng và nền hành chính nhà nước nói chung. Một mặt góp phần giảm bớt các chi phí tuân thủ, mặt khác đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, việc ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa trong khâu giám sát và kiểm tra sau thông quan.

Giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp

Theo báo cáo đánh giá chỉ số chi phí tuân thủ năm 2022 (APCI 2022) của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, chi phí tuân thủ thực hiện một thủ tục hành chính trung bình đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới là 3,84 triệu đồng, trong đó chi phí xuất khẩu trung bình là 2,01 triệu đồng, nhập khẩu là 6,18 triệu đồng.

Thời gian trung bình để thực hiện một thủ tục về giao dịch thương mại xuyên biên giới là 14,9 giờ (đối với xuất khẩu là 13,5 giờ, nhập khẩu là 16,6 giờ), trong đó thời gian làm các thủ tục kinh doanh cảng để lấy hàng mất 7,1 giờ, chiếm 46,7% tổng thời gian.

Trường hợp hàng hóa tại Việt Nam, được doanh nghiệp nước ngoài mua để bán cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam trong chuỗi dây chuyền cung ứng, nếu thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài sau đó lại làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, hoạt động nêu trên sẽ phát sinh các chi phí vận chuyển trên mỗi lô hàng, chi phí thực hiện thủ tục hải quan, chi phí kho bãi...

Trong khi đó, nếu được áp dụng thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, người mua và người bán giao nhận hàng hóa trực tiếp với nhau theo chỉ định của thương nhân nước ngoài, không mất các chi phí phát sinh trung gian nêu trên (không mất 7,1 giờ - tương đương 46,7 % thời gian làm thủ tục tại đơn vị kinh doanh cảng để lấy hàng, không mất chi phí thuê kho, thuê phương tiện vận tải đưa đi, đưa về, chi phí bảo hiểm và các chi phí quản lý phát sinh khác).

Luật Hải quan được sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Điểm b khoản 9 mục V Thông báo số 05/TB-VPCP (ngày 06/01/2025). Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong nước để giảm thời gian thông quan và thủ tục tương đương với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines (chỉ còn 2 - 3 giờ), góp phần làm giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-luat-hai-quan-tao-suc-bat-cho-hoat-dong-xuat-nhap-khau-cua-doanh-nghiep-176847-176847.html