Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tại Di tích Quốc gia Cảng Quy Nhơn
Chiều nay (16/5), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước đã dâng hoa tại Di tích Quốc gia Cảng Quy Nhơn, địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc, thành phố Quy Nhơn.
Cùng dự lễ dâng hoa có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội đoàn thể Trung ương và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hoa tại Di tích Quốc gia Cảng Quy Nhơn địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc, thành phố Quy Nhơn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), quân và dân Việt Nam buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Bắc được giải phóng tiến lên Chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp cai quản, hai năm sau sẽ Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Thi hành Hiệp định Geneve, Bình Định là khu vực có 300 ngày để tập kết các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của toàn Liên khu V ra Bắc và cảng Quy Nhơn được chọn là địa điểm tập kết 300 ngày duy nhất ở miền Nam.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (hàng đầu, người thứ ba từ trái sang) và bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác Trung ương dâng hoa tại Di tích Quốc gia Cảng Quy Nhơn - địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc, thành phố Quy Nhơn.
Đây là nơi tập trung, đưa đón quân đội và cán bộ kháng chiến của ta ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên xuống tàu thủy tập kết ra Bắc. Từ năm 1954 - 1955, bãi biển Quy Nhơn đã chứng kiến những cuộc chia tay đầy cảm động giữa người ra đi và người ở lại, đây cũng là nơi diễn ra cuộc mít tinh trọng thể cho sự kiện này. Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ, bộ đội rời bến cảng Quy Nhơn ra Bắc.
Trong 300 ngày tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn có hơn 20.000 người của Liên khu V và khu vực miền Nam Trung bộ và Tây nguyên, trong đó có 10.700 người Bình Định. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng của Bình Định nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực nói chung. Nhiệm vụ này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn lao mà Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao cho Đảng bộ và Nhân dân Bình Định thực hiện hoàn thành, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn công tác Trung ương đến thăm Di tích Quốc gia Cảng Quy Nhơn - địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc, thành phố Quy Nhơn.
Năm 2025, tròn 70 năm Ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam xuống chuyến tàu cuối cùng, hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn (16/5/1955 - 16/5/2025)
Di tích này đã được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng tại Quyết định số 845/QĐ-UBND ngày 24/12/2007 với tên gọi: Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Sự kiện lịch sử 300 ngày tập kết ra Bắc diễn ra tại cảng Quy Nhơn cách nay 70 năm đã trở thành một sự kiện lớn trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Cảng Quy Nhơn - Điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 - 1955), phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định là di tích quốc gia.