Ảnh
Sáng 10-4 (tức 10-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP Việt Trì, Phú Thọ) diễn ra lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương 2022.
Đi đầu là đoàn Tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hành lễ và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là 14 thiếu nữ trong trang phục áo dài đỏ cùng 100 chàng trai là những thanh niên ưu tú, tượng trưng cho 100 người con được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ và đoàn rước kiệu.
Lễ dâng hương năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng. Đúng 7 giờ, đoàn dâng hương đã khởi hành lên đền Thượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các Vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau phần đọc Chúc văn, Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ vào Thượng cung dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân.
Từ 8g ngày 10-4 (10-3 âm lịch), sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thành nghi thức dâng hương giỗ Tổ vua Hùng, lực lượng chức năng bắt đầu mở rào để người dân, khu khách thập phương lên làm lễ tại các đền.
Anh Đỗ Văn Chuyên (Mỹ Đình, Hà Nội) mặc trang phục áo dài truyền thống cùng con gái về dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Theo anh Chuyên, áo dài cổ phục là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam, về lễ giỗ Tổ, mặc trang phục của dân tộc cũng là một cách bày tỏ lòng thành kính với những bậc khai phá và dựng nước, trân trọng giá trị truyền thống xưa của dân tộc Việt Nam.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết lễ dâng hương năm nay diễn ra từ 7 - 9 giờ sáng. Trong thời điểm này, du khách đến Đền Hùng có thể dâng hương tại đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền thờ Mẫu Tổ Âu Cơ… tuyệt đối không đổ lên Đền Thượng để tránh tình trạng đông đúc, chen lấn xô đẩy.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, ban tổ chức đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho các kịch bản đón du khách về với Đền Hùng bái Tổ. Các biện pháp phòng chống dịch được ứng dụng đồng bộ, người dân khi về với Đền Hùng được khuyến cáo đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn và các biện pháp phòng chống dịch.
Ngay sau khi lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thành, người dân đã đổ về làm lễ tại các khu vực đền tạo thành khung cảnh đông đúc trong ngày chính hội.
Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt bởi tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để chuẩn bị đón người dân cả nước đến Đền Hùng dâng hương, khu di tích lịch sử Đền Hùng đã hoàn tất công tác sửa chữa, cải tạo, bổ sung các phương án an toàn, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy từ nhiều ngày trước.
Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, trước ngày chính Giỗ, có hàng vạn người tìm về Đền Hùng. Con số này theo ông Giang nhận định là “tăng đột biến” so với thời điểm trước kì nghỉ lễ.
Trong ngày chính hội, dự kiến sẽ có hơn 20.000 du khách đến làm lễ, dâng hương tại đền Hùng.
Khánh Huy