Lãnh đạo gốc Việt của cơ quan di trú Mỹ từ chức
Tony Pham, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), sẽ từ chức vào cuối năm nay, sau thời gian giữ ghế lãnh đạo gây ra nhiều tranh cãi.
Tony Pham, một người gốc Việt, lãnh đạo ICE từ tháng 8. Dưới thời chính quyền Trump, ICE đã trải qua nhiều đời lãnh đạo, nhưng không ai trong số họ từng được Thượng viện phê chuẩn.
"Tôi biết ơn chính quyền Trump vì đã mang đến cho tôi niềm vinh dự cao nhất trong sự nghiệp phục vụ đất nước đã cưu mang tôi, với cả hai tư cách cố vấn pháp lý chính và quan chức cấp cao thực hiện nhiệm vụ của giám đốc tại ICE", ông Pham nói trong một tuyên bố được gửi tới BuzzFeed News.
"Lãnh đạo một cơ quan thực thi pháp luật với lực lượng lao động tận tâm như vậy là vinh dự của cả đời người. Tôi đã được gặp nhiều nhân viên phi thường trên khắp nước Mỹ. Tôi sẽ tiếp tục là người ủng hộ không mệt mỏi cho những con người làm việc chăm chỉ tại ICE. Tuy nhiên, vào cuối năm nay, tôi sẽ trở về nhà ở Richmond, Virginia để gần gia đình hơn".
Ông Pham chỉ lãnh đạo ICE một thời gian ngắn nhưng đã gây ra nhiều tranh cãi. Nổi bật nhất là việc ICE cho lắp đặt các bảng quảng cáo màu đen và đỏ đậm dọc theo tuyến đường đi qua bang Pennsylvania, khắc họa khuôn mặt của "những người vi phạm luật di trú đang bỏ trốn, có thể đe dọa sự an toàn của công chúng", như cơ quan này nói.
Các quan chức ICE hiện tại và trước đây, cũng như các chuyên gia pháp lý, cho rằng hành động thái này có động cơ chính trị.
Ông Pham và các quan chức Bộ An ninh Nội địa khác cũng bị chỉ trích sau khi tổ chức họp báo ở các bang dao động để thông báo kết quả các chiến dịch khu vực khác trước cuộc bầu cử tổng thống. Sau ngày 2/11, ICE tiếp tục gây xôn xao trên truyền thông, thông báo rằng hơn 150 người nhập cư trên khắp nước Mỹ đã bị bắt giữ trong chiến dịch nhắm vào những người được cho là đã cam kết sẽ rời đi nhưng không thực hiện.
Ông Pham cũng lãnh đạo một cơ quan đấu tranh ngăn chặn sự bùng phát Covid-19 trong các trung tâm giam giữ người nhập cư. Một số người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã chết trong các cơ sở giam giữ của chính phủ trong năm nay.
Ông Pham đến Mỹ cùng gia đình vào năm 1975 và trở thành công dân Mỹ 10 năm sau đó. Ông theo học trường luật và trở thành công tố viên, xử lý các vụ việc liên quan đến ma túy, băng đảng và vũ khí. Ông cũng từng có thời gian làm việc tại một nhà tù ở bang Virginia.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lanh-dao-goc-viet-cua-co-quan-di-tru-my-tu-chuc-post1162474.html