Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Truy quét hàng giả tại Saigon Square góp phần làm lành mạnh môi trường sản xuất kinh doanh

Việc truy quét hàng giả, hàng nhái không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn góp phần làm lành mạnh môi trường sản xuất kinh doanh.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa tiến hành kiểm tra một số địa điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và thu giữ rất nhiều sản phẩm gồm: Mắt kính, gọng kính, túi xách, túi đeo, ví, giày, dép, dây thắt lưng... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Hermes, Chanel, The North Face, Michael Kors, Burberry, Gucci, prada, YSL, Porsche, Coach, Valentino...

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh về tác động của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với doanh nghiệp.

Xin ông cho biết những tác động từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng?

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, việc còn để lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế trong nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Với các doanh nghiệp có giao thương xuất nhập khẩu, thì việc vi phạm sở hữu trí tuệ này khiến các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch bị ảnh hưởng theo.

Với người tiêu dùng, các sản phẩm hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng mất đi một số tiền lớn. Do đó, khi hàng giả, hàng nhái còn lưu thông lên thị trường thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa tiến hành kiểm tra một số địa điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) và thu giữ rất nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc… Điều này có tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp?

Hiện nay Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do, theo đó, việc vi phạm sở hữu trí tuệ đã được đưa vào Luật hình sự. Chúng ta đã sửa đổi và đưa vào luật và có thể khởi tố hình sự. Tại Việt Nam việc quy định và xử lý cũng rất nghiêm túc. Do đó, việc Quản lý thị trường kiểm tra, truy quét hàng giả tại Saigon Square là việc làm rất đúng và kịp thời.

Thứ nhất là các doanh nghiệp trong nước không bị cạnh tranh bởi hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Đây là điều rất quan trọng, bởi nó góp phần làm lành mạnh mội trường sản xuất kinh doanh và cần làm thường xuyên.

Hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ

Hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ

Việc kiểm tra có thể làm mất công ăn việc làm của một số người, nhưng chúng ta cũng không thể vì vậy mà vi phạm đến quyền lợi của những người khác. Chính vì vậy, giải quyết trung tâm hàng giả, hàng nhái này là điều mà rất nhiều doanh nghiệp mừng.

Mặc dù lực lượng chức năng rất quyết liệt trong việc xử lý, tuy nhiên, vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn chưa được đẩy lùi. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp không chỉ vất vả lo sản xuất, kinh doanh mà còn phải tốn nhiều công sức, tiền của để đối đầu với các loại hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên trừ một số ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào cuộc chiến chống hàng giả đến cùng, số đông doanh nghiệp còn lại thường tự vệ yếu ớt hoặc chấp nhận sống chung với hàng giả.

Trên thực tế, có những doanh nghiệp từng bị làm giả nhãn hiệu, song việc chống hàng giả, hàng nhái vất vả, tốn kém nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Chẳng hạn như khi anh đi gặp cái cửa hàng đó, nó bán hàng giả của một thương hiệu mà mình đang là đại diện độc quyền. Song để khởi kiện được cũng rất phức tạp. Chẳng hạn như doanh nghiệp phải làm thế nào để xác nhận đó là hàng giả, nếu hàng giả này nó lưu hành doanh nghiệp sẽ thiệt hại là bao nhiêu…. Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đánh giá được mức thiệt hại.

Quy trình xử phạt, kể cả xử lý hình sự , diễn ra chậm (do phải hợp tác cùng với nhiều cơ quan chức năng về giám định, kiểm tra... ) và kết quả xử lý thường nhẹ nên không đủ sức răn đe. Điều này khiến doanh nghiệp chưa mặn mà.

Với vụ việc triệt phá hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square vừa qua, có thể thấy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ yếu nhái các nhãn hiệu nước ngoài như CK, Chanel…. thì cũng có trường hợp là do đại diện của nhãn hàng đó ở Việt Nam chưa mạnh. Tuy nhiên, mới đây cũng đã có những đơn vị theo dõi và kết hợp với hải quan để giải quyết một số lô hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ.

Mặc dù rất quyết liệt, nhưng để làm sạch được vấn nạn hàng giả, hàng nhái lại không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn “dễ dãi” khi chấp nhận mua hàng nhái để có giá rẻ hơn rất nhiều và nhiều người vì lợi nhuận vẫn bất chấp vi phạm pháp luật để kinh doanh những mặt hàng này. Trong bối cảnh này, theo ông các doanh nghiệp cần làm gì để có thể tự bảo vệ mình?

Câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại không phải mới, thế nhưng, để đảm bảo hiệu quả của mặt trận phòng, chống hàng giả, hàng nhái đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải có nhận thức rất sâu sắc, đặc biệt là luôn đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình.

Để chống hàng giả trước tiên các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình. Cần có đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Bởi đây sẽ làm căn cứ xử lý khi phát hiện sai phạm về sản phẩm bị làm giả, làm nhái của doanh nghiệp.

Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không có đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm; đến lúc lực lượng xử lý những trường hợp mà bị làm giả hàng hóa của mình ngay chính mình cũng không chứng minh được sản phẩm mình. Do đó cũng lần vấn đề rất khó, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ rất sơ suất trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đây là việc cần phải làm ngay. Có 2 việc mà các doanh nghiệp phải làm, thứ nhất là phải xây dựng được thương hiệu; thứ hai là phải có những giải pháp bảo vệ thương hiệu của mình.

Với các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thì hiện nay các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các công ty luật để đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký kiểu dáng công nghiệp... Hàng năm Hiệp hội doanh nghiệp thành phố xét chọn các sản phẩm tiêu biểu cũng luôn xem xét vấn đề người ta bảo hộ sở hữu trí tuệ như thế nào.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lanh-dao-hoi-doanh-nghiep-tp-ho-chi-minh-truy-quet-hang-gia-tai-saigon-square-gop-phan-lam-lanh-manh-moi-truong-san-xuat-kinh-doanh-226498.html