Từ việc Gạo Ông Cua bị giả mạo: Vẫn nóng chuyện bảo vệ thương hiệu

Sau vụ việc hàng loạt cửa hàng kinh doanh gạo lớn ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội bị 'bêu tên' vì bán gạo giả mạo nhãn hiệu 'Gạo Ông Cua' - 'cha đẻ' giống gạo ST25, chưa kịp lắng xuống; mới đây, thương hiệu gạo này tiếp tục bị giả mạo và bày bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử Shopee, một lần nữa gióng lên cảnh báo về câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo từng đạt giải ngon nhất thế giới này ngay tại thị trường Việt Nam.

“Gạo Ông Cua” liên tiếp bị giả mạo thương hiệu

Năm 2019, sau khi giống gạo ST25 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đạt giải giống gạo ngon nhất thế giới, thì cũng là thời điểm xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề đăng ký độc quyền nhãn hiệu ST25 ở nhiều quốc gia như Mỹ, Úc… Thời điểm ấy, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải vào cuộc, cùng doanh nghiệp Hồ Quang Trí (đơn vị sở hữu giống gạo ST25) phản đối việc đăng ký thương hiệu gạo ST25 ở các quốc gia khác. Cùng đó, doanh nghiệp này cũng nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện đăng ký sở hữu thương hiệu gạo ST25 mang nhãn hiệu “Ông Cua” tại các quốc gia này.

Lực lượng QLTT chia sẻ cách nhận diện gạo ST25 thật - giả.

Lực lượng QLTT chia sẻ cách nhận diện gạo ST25 thật - giả.

Sau sự việc trên, bất ngờ vào tháng 4/2024, thông tin lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh gạo lớn trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã khiến cho người tiêu dùng lo lắng. Cụ thể, sau hơn 3 tháng theo dõi, giám sát, 3 đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, 5 và số 15 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác trên địa bàn 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm giả mạo thương hiệu gạo ST25 Ông Cua.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, tổng số lượng gạo giả nhãn hiệu và bao bì Ông Cua của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí,tại một số cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn quận Hoàng Mai là 67 túi gạo Ông Cua ST25 loại 5kg/túi và 3 túi Ông Cua ST25 Lúa - Tôm là hàng hóa thành phẩm có dấu hiệu hàng giả, 376 bao bì giả mạo chưa đóng, 700kg gạo dùng để đóng gói gạo giả mạo thương hiệu, 2.600 chiếc tem chống hàng giả.

Còn tại cơ sở kinh doanh Gạo Tuấn Lý (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức), đoàn kiểm tra thu giữ 68 bao loại 5kg hàng thành phẩm, 605 chiếc vỏ bao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, 1 máy hàn nhiệt dùng để đóng gói gạo giả…

Sự việc chưa kịp lắng xuống, ngày 27/6 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triệt phá một cơ sở kinh doanh “Gạo Ông Cua” được bán qua nền tảng thương mại điện tử Shopee, cơ sở này có trụ sở chính đặt tại Bắc Ninh. Trước đó, qua phản ánh của người tiêu dùng và quá trình xác minh điều tra, cơ quan chức năng phát hiện tài khoản Shopee “Đại lý Gạo Hồng Anh” đăng bán sản phẩm “Gạo Ông Cua” có giá rẻ hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại được giới thiệu trên website chính thức của doanh nghiệp Hồ Quang Trí.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói gạo từ các bao lớn sang các bao bì loại 5kg thể hiện thương hiệu “Gạo Ông Cua và hình”. Ngoài tên thương hiệu, trên các nhãn bao bì hiển thị đầy đủ thông tin về website, doanh nghiệp sản xuất và địa chỉ công ty của sản phẩm chính hãng. Tại thời điểm kiểm tra, 160 bao “Gạo Ông Cua” đã được đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn ghi nhận hàng trăm vỏ bao bì nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” chưa sử dụng cùng 4 tấn gạo đựng trong 80 bao tải chưa được đóng gói, trên các bao bì thể hiện “Gạo đặc sản”, “ST25”, “Đặc sản Sóc Trăng”, “Gạo ngon nhất thế giới”...

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu

Trước vấn nạn thương hiệu “Gạo Ông Cua” bị các đối tượng giả mạo thương hiệu, chia sẻ với các cơ quan truyền thông, ông Trần Quang Vũ - đại diện doanh nghiệp Hồ Quang Trí trong việc bảo vệ nhãn hiệu gạo ST25 Ông Cua tại thị trường trong nước và quốc tế cho biết, ngay sau năm 2019 khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, trên toàn quốc đã xuất hiện rất nhiều loại gạo giả mạo ST25 và bán tràn lan. Nhưng chỉ sau khi thực hiện đăng ký và bảo hộ thành công thương hiệu thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý các cơ sở bán gạo ST25 Ông Cua giả mạo.

Theo ông Vũ, việc kiểm tra đồng loạt các cơ sở gạo bán giả mạo nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại thị trường Hà Nội và trên các sàn thương mại điện tử được lực lượng QLTT thực hiện thời gian qua, được bắt đầu từ theo dõi, giám sát và nắm bắt được các cơ sở gạo giả mạo nhãn hiệu của chính đơn vị sở hữu gạo Ông Cua. Sau khi nắm bắt được các cơ sở sản xuất giả mạo lớn nhất, doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã chính thức báo cáo và đề nghị lực lượng QLTT vào cuộc nhằm bảo vệ thương hiệu cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước việc các sản phẩm trong nước liên tục bị giả mạo thương hiệu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc bảo vệ thương hiệu - tài sản vô hình của doanh nghiệp, ngoài trách nhiệm bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp (bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu), thì cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng như lực lượng QLTT hoặc công an thì doanh nghiệp mới được bảo vệ, nếu không thì thương hiệu doanh nghiệp sẽ dễ bị “tổn thương”.

Trong đó, để tự bảo vệ thương hiệu của mình, bên cạnh việc doanh nghiệp công bố nhãn mác bao bì chính thức rộng rãi ra toàn thị trường, thì cần phải có mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải được lưu ý, nhắc nhở nhiều hơn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoặc khi cảm thấy nghi ngờ nhãn mác, không tìm thấy công cụ nào để truy xuất nguồn gốc thì nên từ chối mua và thực hiện quyền tố giác với các lực lượng chức năng.

Trao đổi với báo Lao động Thủ đô về việc nhận diện sản phẩm gạo thật - giả và vấn đề đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, ông Phạm Khắc Huy - Phó Chánh văn phòng Tổng Cục QLTT cho biết, hiện nay các hành vi vi phạm liên quan đến mặt hàng gạo diễn ra rất tinh vi, vì thế việc nhận diện trực quan thông qua bao bì là rất khó xác định được, trong khi đó về chất lượng hàng hóa cũng cần phải có các cơ quan chuyên môn kiểm định mới xác định được. Vì thế, lực lượng QLTT luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng những kỹ năng nhận biết hàng thật - giả, đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những gian hàng uy tín trên sàn thương mại điện tử để quyết định mua sắm được chính xác.

Đối với vụ việc “Gạo Ông Cua”, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT có sự hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, ví dụ như trước đây doanh nghiệp chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng QLTT đã hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các dấu hiệu vi phạm liên quan đến mặt hàng gạo, chúng tôi thường xuyên liên hệ, phối hợp với doanh nghiệp để xác định hành vi vi phạm và công bố thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng để biết.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tu-viec-gao-ong-cua-bi-gia-mao-van-nong-chuyen-bao-ve-thuong-hieu-173202.html