Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam kiểm tra các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại tỉnh Lạng Sơn
Sáng 23/5, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương làm Trưởng đoàn đã có chương trình làm việc với Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn và các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ tỉnh Lạng Sơn .
Là một trong những địa phương có hội viên phụ nữ chiếm số lượng lớn, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động ủy thác và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Toàn tỉnh Lạng Sơn có 170.223 hội viên phụ nữ (tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 63,95%).
Phụ nữ dân tộc thiểu số có 220.849 người, chiếm tỷ lệ 82,92%; tỷ lệ hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 63,7%.
Những kết quả nổi bật của hoạt động ủy thác
Trong chương trình làm việc với Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam, đại diện Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tính đến ngày 30/4/2024, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Hội Phụ nữ là 1.631.341 triệu đồng, với 709 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 24.420 thành viên vay vốn; chiếm tỷ trọng 35,85%. Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ năm 2023 là 18,1%, từ đầu năm 2024 đến nay là 3,2%. Số dư nợ trung bình/hộ là 66,8 triệu đồng/hộ, cao hơn so với khu vực 60,32 triệu đồng/hộ và toàn quốc 50,63 triệu đồng/hộ/hộ.
Với Ngân hàng Agribank, từ năm 2020 có 10/11 đơn vị ký kết văn bản thỏa thuận với Agribank các huyện. Hai bên thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền về các chương trình của Agribank lồng ghép trong các hoạt động tập huấn của cấp tỉnh, cấp huyện. Kết quả thực hiện cho vay qua 36 tổ, 348 thành viên tổng dư nợ là 30.622 triệu đồng (trung bình 132 triệu/thành viên), nợ xấu 1,94%.
Với hoạt động tiết kiệm của hội viên, phụ nữ, thực hiện mô hình tiết kiệm theo gương Bác..., năm 2023 đã có 201 Chi hội với 7.820 hội viên phụ nữ thực hiện các loại hình tiết kiệm với số tiền 158.427.000 đồng.
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giao đoạn 2017-2025, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.280 ý tưởng khởi nghiệp của Phụ nữ tham gia các Cuộc thi Khởi nghiệp các cấp; Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn 221 ý tưởng/dự án tham dự các Cuộc thi Khởi nghiệp cấp Trung ương, cấp tỉnh.
Qua đó, nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thành công. Tiểu biểu như: Dự án "Trà diếp cá Lụa Vy", Dự án "Hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng", Dự án "Vườn ươm cây giống quế", dự án "Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số"…
Đối với hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác và tạo việc làm cho lao động nữ, năm 2022, 2023, tập trung tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng.
Trong chương trình làm việc, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung về việc nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, đưa ra các giải pháp để giảm tỷ lệ dư nợ quá hạn; hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ của Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn thời gian qua.
Phó Chủ tịch Trần Lan Phương nhấn mạnh: Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn sẽ có tác động nhiều đến Việt Nam, trong đó đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất là hội viên, phụ nữ.
Vì vậy, Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cần đẩu mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý ủy thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường phối hợp với Agribank thúc đẩy các hoạt động nhằm tăng trưởng nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ gắn với các chương trình, Đề án của Trung ương và của tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.