Lãnh đạo IDJ giải thích về chiến lược M&A loạt dự án

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 ngày 28/5, với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông IDJ đã thông qua toàn bộ các tờ trình. Trong đó, vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu là tờ trình bổ sung 'Thực hiện thu hồi tạm ứng, xử lý các khoản cho vay'.

Với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông IDJ đã thông qua toàn bộ các tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông IDJ đã thông qua toàn bộ các tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

Cụ thể, ĐHĐCĐ IDJ đã thông qua việc thực hiện thu hồi khoản cho vay 414,94 tỷ đồng đối với CTCP Đầu tư APEC Thái Nguyên, thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, tương ứng 99% vốn điều lệ công ty này. Tổng giá trị chuyển nhượng không vượt quá 450 tỷ đồng để nhận về 9,9 triệu cổ phần.

Đại hội cũng chấp thuận việc thu hồi khoản cho vay 104,4 tỷ đồng đối với CTCP APEC Finance, thông qua nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của APEC Finance tại Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận. Giá trị nhận chuyển nhượng không vượt quá 120 tỷ đồng để sở hữu 109 tỷ đồng vốn góp, tương đương 88,67% vốn điều lệ Lộc Phát Bình Thuận.

Cổ đông IDJ cũng nhất trí việc thu hồi các khoản tạm ứng thông qua việc nhận chuyển nhượng lại cổ phần của CTCP Nước khoáng Cúc Phương. Tổng giá trị chuyển nhượng tối đa là 210 tỷ đồng, trong đó số cổ phần chuyển nhượng là 6,24 cổ phần, tương ứng 99% vốn điều lệ công ty.

Trong số những cái tên kể trên, CTCP Nước khoáng Cúc Phương là chủ đầu tư dự án mở rộng nhà máy sản xuất nước khoáng Cúc Phương và xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế (Nho Quan, Ninh Bình); Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận là chủ đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Phương Thảo (Bắc Bình, Bình Thuận); CTCP Đầu tư APEC Thái Nguyên là chủ dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, đơn vị kiểm toán của IDJ là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C cho biết tính đến ngày 31/12/2023, công ty đang thực hiện tạm ứng số tiền 209,3 tỷ đồng cho các cá nhân là nhân viên của công ty để thực hiện các giao dịch liên quan đến việc triển khai, đầu tư phát triển các dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó, một số khoản cho vay với các tổ chức và cá nhân là bên liên quan và bên không liên quan đã bị quá giới hạn thanh toán với số dư gốc là 414,94 tỷ đồng. Các khoản vay này được đảm bảo bằng cổ phần của CTCP APEC Thái Nguyên.

Đơn vị kiểm toán không thể đưa ra kết luận với 2 khoản cho vay nói trên và đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với 2 vấn đề này. Đây cũng chính là lý do cổ phiếu IDJ bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo vào đầu tháng 4/2024.

Về vấn đề xử lý công nợ, theo Thành viên HĐQT Nguyễn Đức Quân, công ty đánh giá về bản chất đây là hoạt động M&A, mở rộng quỹ đất. Khi triển khai mở rộng quỹ đất, thực hiện đầu tư, công ty phải giao cho các cán bộ nhân viên thực hiện, hay góp vốn, ủy thác đầu tư, cho vay với những dự án tiềm năng, đối tác thường cũng sẽ thế chấp những cổ phiếu ở chính các dự án bất động sản đó.

Trong thời gian vừa qua, khi thị trường bất động sản đi xuống, dẫn đến các đối tác không thể thanh toán phần nợ đã vay.

“Việc này đã nằm trong mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thâu tóm toàn bộ số cổ phần của các cổ đông đó để đối trừ công nợ, qua đó sở hữu từ 90% – 99% các dự án này. Đây chính là quỹ đất trong tương lai mà công ty có thể triển khai,” ông Quân cho biết.

Đối với khoản hơn 200 tỷ đồng ở trên báo cáo kiểm toán năm 2023, ông Nguyễn Đức Quân cho biết công ty có tầm nhìn triển khai M&A các dự án tiềm năng như dự án Cúc Phương. Khi tiến hành quá trình này, khó để có thể đàm phán trực tiếp với đối tác mà công ty phải đi mua gom.

“Để thực hiện mua cổ phần, cán bộ công nhân viên sẽ là những người thực thi. Như giám đốc đầu tư, giám đốc phát triển dự án sẽ nhận nhiệm vụ của ban lãnh đạo thâu tóm tất cả những dự án này thông qua việc mua cổ phần,” ông Quân giải thích thêm.

Theo lãnh đạo của IDJ, giá trị hay thời điểm nhận chuyển nhượng dự án còn phụ thuộc vào thị trường và nhiều yếu tố khác. HĐQT cùng các cổ đông lớn đều nhìn nhận đây đều là những dự án tiềm năng.

“Nếu điểm rơi của bất động sản rơi vào cuối năm 2024, đầu năm 2025 thì công ty sẽ có quỹ đất rất tốt để làm resort hay các dự án khách sạn lớn, mang lại lợi ích trong tương lai,” ông Nguyễn Đức Quân cho biết.

Chia sẻ thêm về tiềm năng của các dự án, tân Thành viên HĐQT Ngô Thành Trung cho biết dự án Cúc Phương có diện tích 6ha, bao gồm 2 phần là nhà máy sản xuất nước khoáng và nước giải khát đã đi vào hoạt động được 5 - 6 năm, cung cấp nước khoáng ra thị trường. Vào năm 2016, CTCP Nước khoáng Cúc Phương được mở rộng thêm phần diện tích 5ha ngay bên cạnh để làm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.

Theo ông Ngô Thành Trung, Nho Quan là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, khi trên địa bàn còn có vườn Quốc gia Cúc Phương. Ở thời điểm IDJ tiếp cận dự án, giao thông không quá thuận lợi, kết nối đến Cúc Phương chỉ có duy nhất đường Quốc lộ 12B, mất tầm 3 tiếng di chuyển từ Hà Nội về dự án.

Hiện tại, theo quy hoạch thì đại lộ Đông Tây sẽ chạy ngay trước mặt dự án. Kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2025, đại lộ sẽ thay đổi hoàn toàn giao thông của dự án.

Đối với dự án khu công nghiệp của CTCP APEC Thái Nguyên, ông Ngô Thành Trung nhận định tiềm năng của dự án vẫn là rất lớn, khi các dự án khác tại Thái Nguyên đã có tỷ lệ lấp đầy cao. Dự án APEC Thái Nguyên có diện tích 170ha, nằm ngay sát cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lanh-dao-idj-giai-thich-ve-chien-luoc-ma-loat-du-an-post35092.html