Vì sao đang có lãi, Dệt may Thành Công (TCM) lại đóng cửa xưởng may công suất 5 triệu sản phẩm?

Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM) vừa quyết định chấm dứt hoạt động Xưởng may Trảng Bàng với công suất lên tới 5 triệu sản phẩm/năm.

Xưởng may Trảng Bàng của Dệt may Thành Công có công suất lên tới 5 triệu sản phẩm/năm.

Xưởng may Trảng Bàng của Dệt may Thành Công có công suất lên tới 5 triệu sản phẩm/năm.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa thông qua việc chấm dứt hoạt động của Xưởng may Trảng Bàng. Trước đó, xưởng may này đã được tạm ngưng hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày 15/4.

Theo tìm hiểu, Xưởng may Trảng Bàng bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2018 với 17 dây chuyền sản xuất. Sau lần mở rộng quy mô vào năm 2019, Xưởng may Trảng Bàng đã có 27 dây chuyền sản xuất với tổng công suất đạt 5 triệu sản phẩm/năm.

Động thái chấm dứt hoạt động của Xưởng may Tràng Bàng diễn ra trong bối cảnh Dệt may Thành Công vừa hoàn tất thủ tục M&A Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá 468 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Dệt May Thành Công từng chia sẻ, việc chấm dứt hoạt động của Xưởng may Trảng Bàng nhằm cơ cấu lại danh mục nhà máy để có nguồn vốn phục vụ cho việc đầu tư mua lại Nhà máy SY Vina.

Ông Trần Như Tùng cho biết, việc mua lại Nhà máy SY Vina giúp công ty có được giấy phép nhuộm; đồng thời, mở rộng thêm mặt hàng vải dệt thoi (woven) bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải thun (knit) để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao. Đây cũng là giải pháp tối ưu hóa bài toán đầu tư của công ty trong dài hạn.

Dệt may Thành Công là một trong số ít những doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có quy trình sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm - may. Việc mua lại SY Vina giúp công ty tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.

Sau khi mua lại và tiếp quản, nhà máy dệt thoi tại SY Vina với công suất trên 8 triệu mét vải/năm sẽ bổ sung thêm cho vải đan truyền thống tại Dệt may Thành Công, nhà máy nhuộm với công suất hơn 19,5 triệu mét vải/năm và nhà máy may với công suất 69,6 triệu sản phẩm khăn/năm sẽ góp phần vào việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty trong thời gian tới.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Đồng thời, Dệt may Thành Công cũng cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy tại quận Tân Phú trong tương lai sau khi TP.Hồ Chí Minh có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành để thực hiện dự án dân cư và phức hợp theo quy hoạch.

“Hiện nhà máy SY Vina có công suất hoạt động là 3 triệu mét/năm, và năm 2023 mới thực hiện 1 triệu mét/năm. Đến tháng 3/2024, nhà máy SY Vina đã vận hành công suất 1,5 triệu mét/năm và lợi nhuận hoạt động đã có kết quả dương nhờ đơn hàng 10 triệu chiếc từ Tập đoàn Eland”, Chủ tịch Dệt may Thành Công chia sẻ.

Về tình hình đơn hàng, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết, tính đến tháng 5/2024, công ty đã và đang tiếp nhận khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024 và 83% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 3/2024.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, doanh thu công ty mẹ của Dệt may Thành Công đạt 64 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt 4,72 triệu USD, lần lượt tăng 12% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Dựa trên tình hình xuất khẩu dệt may năm nay cùng với tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, Dệt may Thành Công kỳ vọng triển vọng xuất khẩu trong năm 2024 sẽ khả quan hơn so với năm trước và đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vi-sao-dang-co-lai--det-may-thanh-cong--tcm--lai-dong-cua-xuong-may-cong-suat-5-trieu-san-pham-122809.htm