Lãnh đạo không tu dưỡng sẽ trở thành 'tù binh' của thoái hóa, biến chất
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng là rất thiết thực.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao đổi với PV Báo Giao thông về việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là “giặc ngoại xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người luôn nhấn mạnh phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí theo quy định của pháp luật để răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô khác.
Tu thân chưa được, thì đừng nghĩ đến tề gia hay trị quốc
Thưa ông, tham nhũng, lãng phí luôn được coi là mối nguy lớn đối với đất nước ở các thời kỳ. Điều này được nhìn nhận như thế nào trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đấu tranh chống tiêu cực, trong đó có tham nhũng. Lúc đó, Bác gọi là tư túng.
Trong thư Bác gửi cho UBND các cấp ngày 17/10/1945, Bác đã chỉ ra 6 căn bệnh của Bộ máy chính quyền. Đó là: Cậy thế, trái phép, tư túng, hủ hóa (tha hóa con người về đạo đức), chia rẽ, kiêu ngạo.
Sau này, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10/1947, Bác lại tiếp tục phê phán và nói đến việc tha hóa biến chất của cán bộ, trong đó có tham nhũng, tư túng kéo bè kéo cánh, lấy của công làm của tư.
Bác cũng đề cập tới 12 điểm tư cách của Đảng cách mạng chân chính. Điểm được Người nhấn mạnh hàng đầu, đó là: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài”. Cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng phẩm chất cách mạng để giúp cho nhân dân ấm no, hạnh phúc. Từ đó về sau, Bác luôn luôn chú ý những điều đó để nhắc nhở, giáo dục, xử lý cán bộ Đảng viên.
Tiêu biểu là vụ xử lý Đại tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu năm 1950, sa vào con đường ăn chơi, ham muốn vật chất, tha hóa lấy của công trong giai đoạn quân đội còn khó khăn do đó Tòa án binh xử tử.
Sau vụ án này, trong một cuộc họp do Bác chủ trì, Bác nói rằng cần phải có nhiều bài học về công tác cán bộ. Bác nêu ra mấy điều như: Cán bộ cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nếu không chịu tu dưỡng rèn luyện thì có quyền trong tay rất dễ hư hỏng.
Gần đây, nhiều vụ tham nhũng lớn có liên quan đến một số cán bộ chức vụ cao đã được xử lý. Đây có phải là những hệ quả thực tế từ việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng theo lời dạy của Bác, thưa ông?
Như lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên cái chính vẫn là tự tu dưỡng. Dù là ai, ở cấp nào, là Bộ trưởng, hay tướng lĩnh, thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất.
Các cụ ngày xưa có câu: Tu thân trước sau đó đến tề gia rồi đến trị nước. Nếu tu thân mà chưa được thì đừng nghĩ đến tề gia hay nói đến trị quốc.
Cho nên, bài học là tự rèn luyện. Người ta gọi là dạy bảo cá nhân, huấn luyện dạy bảo cán bộ.
Không kiểm soát được quyền lực, cán bộ dễ mắc sai lầm
Nhưng thực tế hiện nay được cho là có những thách thức lớn hơn, phức tạp hơn trong công cuộcphòng chống tiêu cực so ở nửa thế kỷ trước. Ông có đồng quan điểm này?
Đúng là thời của Bác Hồ còn ít tiêu cực lắm. Tôi theo dõi thì thấy từ năm 1954-1975, số cán bộ bị kỷ luật không đáng kể, nhất là ở cấp Trung ương, ít cán bộ cao cấp, cán bộ Trung ương sai phạm, bị kỷ luật lắm.
Giờ thì số cán bộ bị kỷ luật rất nhiều, tính từ Đại hội XII đến nay đã có 70 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, xử lý ở nhiều hình thức, thậm chí là xử lý hình sự. Đó là điều đáng buồn.
Hoàn cảnh lịch sử hiện nay khác với thời trước là vậy. Thời của Bác, cả nước đang kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, xây dựng CNXH ở miền Bắc, tất cả dồn sức cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên ít có điều kiện để cán bộ, Đảng viên vượt qua giới hạn, mắc sai lầm.
Nhưng hiện nay, trước tiền tài vật chất, cán bộ, Đảng viên là người có chức, có quyền, bị lợi dụng, rồi bị tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, không kiểm soát được quyền lực… nên dễ mắc sai lầm.
Rồi cơ chế quản lý cũng chưa theo kịp thực tế, những cán bộ, Đảng viên là lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, thực tế được giao vào tay hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng mà không quản lý, kiểm soát, giám sát chặt nên hậu họa tham ô, tham nhũng là hiện thực. Cách làm kiểu “phóng sinh phóng địa” như vậy dễ mất cả tài sản, cả con người.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn được việc cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, phải kỷ luật?
Lúc này, nhiệm vụ trọng điểm phải xử lý là đổi mới công tác cán bộ gắn với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, đồng thời nêu cao trách nhiệm nêu gương để cán bộ, Đảng viên chú ý tu dưỡng, rèn luyện theo những điều Bác căn dặn.
Về kiểm soát quyền lực, trước đây, Bác nói là kiểm tra, kiểm soát hành vi của mỗi người, nếu làm đúng thì biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để phòng ngừa. Chứ không sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm rồi mới phát hiện, mới lôi nhau ra xử phạt, kỷ luật.
Như vậy, theo Bác, chúng ta phải chủ động phòng ngừa, nếu để ra sai phạm thì phải xử lý và trừng trị đến nơi đến chốn.
Giống như bây giờ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay nói câu là “xử một người nhưng mà để cứu muôn người”. Đó là vì nghĩa lớn, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Chứ không phải xử lý đồng chí của mình mà mình thấy vui vẻ.
Không ai vui vẻ gì chuyện đấy, bất đắc dĩ lắm mới phải xử lý để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ nguyên kỷ luật Đảng.
Xin cảm ơn ông