Lãnh đạo Mỹ-Ấn ca ngợi 'kỷ nguyên mới' trong quan hệ song phương
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 22/6 (giờ địa phương) ca ngợi kỷ nguyên mới trong mối quan hệ song phương, sau khi Nhà Trắng 'trải thảm đỏ' đón nhà lãnh đạo Ấn Độ.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ đang "mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và năng động hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử", sau khi hai nhà lãnh đạo bước ra từ cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục, nơi những khác biệt về vấn đề Nga và nhân quyền được đặt lên bàn thảo luận.
Mối quan hệ kinh tế giữa hai bên đang "bùng nổ", ông Biden nói, với thương mại tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Mỹ hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
Về phần mình, ông Modi cho rằng Ấn Độ và Mỹ có thể đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu khi ông khẳng định, đối với quan hệ đối tác giữa hai nước, "bầu trời không phải là giới hạn", nhấn mạnh hai nước đang kề vai sát cánh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trước đó, phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ nhận định, những đám mây đen của sự ép buộc và đối đầu đang phủ bóng đen ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Sự ổn định của khu vực đã trở thành một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ đối tác của chúng ta", ông nói.
Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã cùng đưa ra một tuyên bố chung bao gồm cảnh báo về căng thẳng gia tăng và các hành động gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.
Theo Reuters, ông Modi đã đến Mỹ 5 lần kể từ khi trở thành Thủ tướng vào năm 2014, nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của ông với đầy đủ quy chế ngoại giao của một chuyến thăm cấp nhà nước, trong bối cảnh Ấn Độ đang nỗ lực nâng cao vị thế trên trường thế giới với tư cách là một cường quốc sản xuất và ngoại giao.
Tại buổi họp báo, hai nhà lãnh đạo đã công bố các thỏa thuận về chất bán dẫn, khoáng sản, công nghệ, hợp tác không gian và hợp tác quốc phòng. Một số thỏa thuận nhằm mục đích đa dạng hóa chuỗi cung ứng, số khác nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường bằng các công nghệ tiên tiến. Hai nước cũng chấm dứt các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Ấn Độ đã dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ.
Cũng theo Reuters, Ấn Độ cũng đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ lãnh đạo về thám hiểm không gian và hợp tác với NASA trong sứ mệnh chung tới Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2024.