Lãnh đạo Mỹ - Canada tranh luận về ý tưởng sáp nhập

Thủ tướng Canada khẳng định quốc gia của mình 'không phải để bán' trước Tổng thống Trump, trong khi lãnh đạo Mỹ vẫn để ngỏ ý tưởng sáp nhập hai nước.

Trong cuộc gặp đầu tiên tại Phòng Bầu dục ngày 6/5 với Thủ tướng Canada Mark Carney, Tổng thống Donald Trump tiếp tục thúc đẩy ý tưởng sáp nhập Canada vào Mỹ.

Ông Trump nhấn mạnh rằng, nếu Canada đồng ý trở thành bang thứ 51 của Mỹ, đây sẽ là “một cuộc hôn nhân tuyệt vời”. Theo ông, người dân Canada sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc sáp nhập, bao gồm “giảm thuế quan khổng lồ, có quân đội miễn phí và chăm sóc y tế đỉnh cao”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Carney đã giữ vững lập trường, đề nghị Tổng thống Trump chấm dứt việc thúc đẩy ý tưởng này.

“Như ông đã biết, với kinh nghiệm trong ngành bất động sản, có những nơi không bao giờ rao bán” ông Carney nói với ông Trump, so sánh Canada với Phòng Bầu dục và Cung điện Buckingham của Anh.

Thủ tướng Canada Mark Carney (trái) trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 6/5. Ảnh: AFP

Thủ tướng Canada Mark Carney (trái) trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 6/5. Ảnh: AFP

"Sau khi đã gặp 'những chủ nhân' của Canada trong suốt chiến dịch tranh cử vài tháng qua, tôi xin tuyên bố rằng: Canada không phải để bán và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra", Thủ tướng Canada khẳng định.

Tổng thống Trump phản hồi ngắn gọn: “Đừng bao giờ nói không bao giờ”.

Lãnh đạo Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại với Canada bằng loạt biện pháp thuế kể từ khi nhậm chức vào tháng 2. Ông liên tục gây áp lực về mặt ngoại giao, nhiều lần tuyên bố rằng Canada nên trở thành một bang của Mỹ để tránh các chính sách thuế. Đồng thời, ông Trump cũng cáo buộc Canada lợi dụng Mỹ trong quan hệ thương mại, không công bằng và thờ ơ với tình trạng buôn lậu fentanyl qua biên giới.

Tại Phòng Bầu dục, khi được hỏi liệu có điều kiện nào mà Thủ tướng Carney có thể đưa ra ngay trong cuộc họp để Mỹ từ bỏ chính sách thuế, ông Trump trả lời dứt khoát: “Không. Mọi chuyện đã an bài.”

Theo phóng viên AFP, trong suốt cuộc gặp, Thủ tướng Carney nhiều lần siết chặt hai bàn tay, nghiến răng và đầu gối rung nhẹ khi lắng nghe Tổng thống Trump phát biểu, cho thấy nỗ lực kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, sau cuộc gặp kéo dài hai giờ, cả hai bên đều thể hiện thái độ tích cực.

“Tôi từng có một cuộc tranh cãi nảy lửa với người khác tại đây. Lần này rất khác. Đây là một cuộc trò chuyện rất thân thiện. Chúng tôi muốn làm điều đúng đắn cho người dân của cả hai nước” Tổng thống Trump phát biểu, ngụ ý so sánh với cuộc khẩu chiến trước đó với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 2.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp, Thủ tướng Carney cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Canada sẽ rất phức tạp, song cuộc trao đổi kéo dài 2 giờ với Tổng thống Trump mang tính xây dựng và hữu ích.

“Khi tôi hỏi liệu Tổng thống Mỹ có sẵn sàng từ bỏ thuế quan bằng cách thiết lập một thỏa thuận hay không, ông ấy tỏ ra sẵn sàng thương lượng” ông Carney nói, đồng thời tiết lộ đã trực tiếp đề nghị Tổng thống Trump ngừng nhắc đến phương án Canada trở thành bang thứ 51. “Tôi nói với ông ấy rằng lặp đi lặp lại ý tưởng này cũng vô ích thôi, nhưng Tổng thống Mỹ có quyền nói những điều ông ấy thích”.

Cuộc gặp lần này thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt sau cuộc bầu cử tại Canada hồi tháng 4. Trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Carney cam kết với cử tri rằng Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Canada sẽ không bao giờ có quyền kiểm soát đất nước ông.

Thủ tướng Carney cũng tuyên bố rằng kỷ nguyên “quan hệ gắn bó đặc biệt” giữa Mỹ và Canada đã chấm dứt, đồng thời đề xuất cải tổ toàn diện quan hệ song phương, đánh dấu bước ngoặt lớn về chính trị và kinh tế của Canada kể từ sau Thế chiến II.

Theo AFP, Reuters

Văn Hùng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/lanh-dao-my-canada-tranh-luan-ve-y-tuong-sap-nhap-317641.html