Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan chạm ngưỡng nguy hiểm

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan đã chạm ngưỡng nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế kêu gọi hai bên sớm hạ nhiệt tình hình.

Quan hệ giữa Ấn Độ - Pakistan hiện xuống cấp nghiêm trọng, gây lo ngại dẫn tới xung đột vũ trang. Căng thẳng bùng phát giữa hai nước láng giềng Nam Á lần này không chỉ đơn thuần là phản ứng đối với một vụ tấn công khủng bố đẫm máu mà còn là kết quả của những mâu thuẫn lịch sử sâu sắc.

Nhà phân tích các vấn đề Nam Á Michael Kugelman cho rằng: “Với quy mô và cường độ của cuộc tấn công từ phía Ấn Độ, tôi nghĩ rằng việc chúng ta sẽ thấy một phản ứng mạnh mẽ tương tự từ Pakistan là điều không thể tránh khỏi. Và một lần nữa, vẫn chưa rõ phản ứng này sẽ như thế nào vào thời điểm này, nhưng tôi nghĩ rằng Pakistan chắc chắn sẽ muốn gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới Ấn Độ rằng họ có khả năng đáp trả trước những gì Pakistan coi là hành động khiêu khích hoàn toàn không có cơ sở".

Lực lượng an ninh bảo vệ một con đường dẫn đến Nhà thờ Hồi giáo Bilal ở Muzaffarabad sau khi nơi này bị tấn công bằng tên lửa. Ảnh: Reuters.

Lực lượng an ninh bảo vệ một con đường dẫn đến Nhà thờ Hồi giáo Bilal ở Muzaffarabad sau khi nơi này bị tấn công bằng tên lửa. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, phần đông ý kiến cho rằng, kịch bản có khả năng cao nhất trong ngắn hạn là xung đột giới hạn kiểu “ăn miếng trả miếng” tương tự sau vụ không kích Balakot năm 2019. Trong tuyên bố đưa ra cuối ngày hôm qua 6/5, chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định, hành động của họ chỉ tập trung vào mục tiêu, “có chừng mực và không leo thang”.

Trong các cuộc chiến tranh và xung đột trước đây, hai bên đều xuống thang trước khi tình hình có thể trở thành chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, xung đột lần này cũng có thể khác, cần được xem xét trong bối cảnh địa - chính trị đã thay đổi, và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới và có lợi ích khác nhau ở Ấn Độ và Pakistan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hôm nay kêu gọi Pakistan và Ấn Độ kiềm chế: “Chúng tôi kêu gọi Ấn Độ và Pakistan hành động vì lợi ích lớn hơn của hòa bình và ổn định, giữ bình tĩnh, kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu tình hình hiện tại".

Mỹ đang thể hiện vai trò trung gian khá tích cực. Ngoại trưởng Marco Rubio đã liên lạc với cả Pakistan và Ấn Độ để kêu gọi hạ nhiệt. Theo chuyên gia Srujan Palkar, học giả nghiên cứu về Ấn Độ tại Hội đồng Đại Tây Dương, hiệp ước về nguồn nước có thể là lối thoát cho 2 quốc gia và Mỹ có thể đóng vai trò cầu nối để giúp 2 nước đối thoại.

Chuyên gia Manal Fatima từ Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương cũng cho rằng, Mỹ cần sử dụng mọi công cụ ngoại giao, cùng với Anh, Saudi Arabia và các nước có ảnh hưởng trong khu vực, để giải quyết cuộc khủng hoảng tiềm ẩn này.

Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng và các vấn đề xuyên quốc gia ngày càng nghiêm trọng, việc giải quyết một cách toàn diện các nút thắt, hóa giải tận gốc rễ các mâu thuẫn giữa Pakistan và Ấn Độ chắc chắn đòi hỏi thiện chí, nỗ lực từ chính các bên xung đột, song cũng không thể thiếu tác động từ cộng đồng quốc tế để ngăn hai láng giềng Nam Á này không đẩy sự việc đi quá xa trong trường hợp liên tiếp bùng lên những diễn biến căng thẳng như lần này.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cang-thang-an-do-pakistan-cham-nguong-nguy-hiem-post1197799.vov