Lãnh đạo Mỹ - Pháp nỗ lực giải quyết bất đồng, tìm tiếng nói chung
Sáng 1/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng bằng nghi thức ngoại giao cấp cao nhất.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bờ Đại Tây Dương đang rơi vào tình trạng căng thẳng từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ cho đến quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine tại châu Âu.
Phát biểu trong lễ đón chính thức tại sảnh phía nam của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành những lời tốt đẹp nhất cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Thật vinh dự, vinh dự thực sự được đón tiếp các bạn trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ của tôi cũng như sức mạnh và sức sống bền bỉ của tình hữu nghị vĩ đại giữa hai nước. Như chúng tôi đang nói, Pháp là đồng minh lâu đời nhất, đối tác kiên định nhất của chúng tôi trong sự nghiệp tự do”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định mối quan hệ bền chặt và các giá trị chung giữa hai quốc gia, đồng thời kêu gọi Mỹ và Pháp “một lần nữa trở thành những người anh em tay trong tay”.
Ngay sau lễ đón, lãnh đạo hai nước đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, tập trung chính vào cuộc chiến Nga - Ukraine, quan hệ hai bờ Đại Tây Dương và chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ.
Về cuộc chiến Nga - Ukraine, mặc dù lãnh đạo hai nước khẳng định quan điểm tiếp tục ủng hộ Ukraine nhưng lại có câu trả lời khác nhau về khả năng đối thoại với Tổng thống Nga Putin cũng như cơ hội đàm phán hòa bình.
Về chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ, đặc biệt là Đạo luật giảm phát, ông Biden cho biết, hai bên đã thảo luận các bước thực tế để phối hợp và sắp xếp các phương pháp tiếp cận nhằm củng cố chuỗi cung ứng, sản xuất và đổi mới ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Về phía Pháp, mặc dù trước đó chỉ trích mạnh mẽ khi cho rằng đạo luật này có thể làm phương Tây rạn nứt nhưng trong cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các câu hỏi của mình được trả lời khá đầy đủ, hai bên đã thống nhất về một chiến lược và làm rõ những điều cần phải làm rõ.
“Tôi sẽ trở về nước một cách tự tin và biết rõ những gì mà phía châu Âu cần phải thực hiện, đó là điều tốt” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ.
Sau cuộc hội đàm, hai bên cũng ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định Mỹ và Pháp đã vạch ra tầm nhìn chung nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn, thúc đẩy các giá trị chung. Theo đó, Mỹ và các đồng minh, đối tác tại châu Âu có thể đối phó tốt hơn với các thách thức trong tương lai và tận dụng được các cơ hội tốt đẹp.
Tối cùng ngày, Tổng thống Mỹ Biden cũng tổ chức quốc tiệc lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức để chiêu đãi người đồng cấp Pháp Macron và phu nhân. Đây cũng là lần thứ hai ông Macron được đón tiếp tại Mỹ với nghi thức ngoại giao cao nhất, cấp nhà nước.
Chuyến thăm 3 ngày tới Mỹ của ông Macron được kỳ vọng sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương sau hàng loạt các tranh cãi vừa qua.