Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ gặp tại thượng đỉnh G20: Khó kỳ vọng đột phá
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua bày tỏ hy vọng sẽ giải quyết 'các vấn đề căn bản giữa Trung Quốc và Mỹ' trong cuộc gặp dự kiến giữa ông với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhật Bản vào tuần tới.
Ông Tập bày tỏ sẵn sàng gặp ông Trump tại cuộc điện đàm hôm qua giữa hai nhà lãnh đạo, báo chí Trung Quốc cho biết. Ông Trump sau đó cũng xác nhận thông tin này trên Twitter.
Việc tái khởi động tiến trình thảo luận giữa hai quốc gia bên lề hội nghị thượng đỉnh của G20 từ ngày 28-29/6 được coi là diễn biến tích cực đầu tiên kể từ khi vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai nước sụp đổ vào đầu tháng 5, dẫn đến việc ông Trump dọa sẽ tăng thuế lên tất cả hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi nhanh chóng trên các mặt trận chính trị, kinh tế và quân sự. Mỹ đã gắn nhãn cho Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và cáo buộc Bắc Kinh thực hiện tiến hành các hoạt động do thám trên những lĩnh vực an ninh quốc gia và học thuật.
“Tôi sẵn sàng gặp ngài tổng thống trong thời gian hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka để trao đổi quan điểm trên các vấn đề căn bản của quan hệ Mỹ - Trung”, ông Tập được báo chí dẫn lời.
Bà Wendy Cutler, một cựu quan chức đàm phán Mỹ và hiện là phó chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á, cho rằng nên kỳ vọng vừa phải về kết quả cuộc gặp này mang lại.
“Suy từ cuộc gặp lần trước của họ ở Argentina (vào tháng 12 năm ngoái bên lề thượng đỉnh G20), kết quả tối ưu nhất sẽ là sự nhất trí sẽ nối lại đối thoại, đề ra đường hướng ở cấp cao về cách tiếp cận những vấn đề nổi bật còn tồn đọng, cộng với sự nhất trí ngưng các hành động tăng thuế và leo thang thương mại”, bà Cutler nói.
Nhưng những kết quả như vậy không hẳn chắc chắn. Một lá bài bất định là mức độ Bắc Kinh sẽ thúc như thế nào để Mỹ nhượng bộ với Huawei như một cái giá của thỏa thuận thương mại, và cách ông Trump đáp lại như thế nào”, bà Cutler nhận định
“Trước sự ngỡ ngàng của cộng đồng an ninh quốc gia, tổng thống Mỹ đã nói rằng ông ấy có thể đã chuẩn bị để làm điều đó”, CNN dẫn lời bà Cutler.
Hai bên đều rắn
Các doanh nghiệp Mỹ đang gây sức ép lên chính quyền Trump phải giảm đánh thuế lên hàng Trung Quốc, cảnh báo rằng cách làm này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và làm mất việc làm. Hơn 600 công ty và hiệp hội thương mại, trong đó có những tên tuổi lớn như Walmart, Costco và Target, trong tháng này cùng gửi thư kiến nghị lên Nhà Trắng để kêu gọi chấm dứt chiến tranh thương mại.
Nhưng cho đến nay Tổng thống Trump chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ nhượng bộ.
Tại phiên điều trần trước thượng viện Mỹ hôm 18/6, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định chính quyền Trump sẽ duy trì quan điểm cứng rắn.
“Quan hệ kinh tế của chúng ta với Trung Quốc đang bị mất cân bằng và rất bất công với nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp Mỹ trong mấy chục năm qua”, ông Lighthizer nói trước Ủy ban tài chính Thượng viện.
Với các biện pháp thuế đã được áp dụng, chính quyền đã chuẩn bị để tiếp tục hành động “nếu một số vấn đề cụ thể không được giải quyết một cách thỏa đáng”, Đại diện thương mại Mỹ nói.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wibur Ross cuối tuần qua cũng hạ thấp khả năng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận lớn trong tương lai gần.
“Tôi nghĩ kết quả tốt nhất mà hai bên có thể đạt được bên lề G20 có thể là đồng ý sẽ chủ động nối lại đàm phán”, có thể với những quy tắc và lịch trình mới, ông Ross nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Phố Wall hôm Chủ nhật vừa qua.
Cũng có những chỉ dấu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài, bất chấp dấu hiệu kinh tế phát triển chậm lại.
Bắc Kinh đang quyết liệt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để huy động sự ủng hộ của dư luận trong nước.
Tạp chí Qiushi thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa viết trong bài bình luận đăng tuần này rằng Trung Quốc đã chuẩn bị để “chiến đấu đến phút cuối”. Còn tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng thỏa hiệp với Mỹ là điều “ngu xuẩn và ngây thơ”.
Trong lúc này, hàng loạt bộ phim về chiến tranh chống Mỹ trong thời chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 đang được truyền hình Trung Quốc chiếu lại để khuấy động tinh thần chống Mỹ.
“Việc cả hai bên chịu đối thoại với nhau ít nhất cũng giúp trì hoãn suy nghĩ tiếp tục tăng thuế, ít nhất trong một khoảng thời gian”, Iris Pang, một nhà kinh tế học tại ngân hàng ING tại Hong Kong, đánh giá. “Cả hai bên sẽ nhắc lại quan điểm của họ dựa trên các điều khoản đã được phác thảo. Nhưng rất khó nhìn thấy tiến triển cụ thể nào sẽ dẫn đến một thỏa thuận hay cải thiện tình hình bế tắc hiện nay”, CNN dẫn lời ông Pang.