Lãnh đạo ngân hàng nêu lý do khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Đại diện các ngân hàng khẳng định mức lãi suất 6,6%/năm cho vay đối với nhà ở xã hội hiện nay là lãi suất vay ưu đãi, ngang mức cho vay hộ nghèo.
Nới lỏng các điều kiện mua nhà ở xã hội
Sáng 21/11, tại TPHCM, Báo Người lao động tổ chức tọa đàm “Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới” với sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và chuyên gia.
Những hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), tác động của chính sách mới và giải pháp để thúc đẩy nguồn cung loại hình nhà ở này đã được các đại biểu, chuyên gia bàn luận.
Tham dự trực tuyến, bà Phạm Thị Thu Hà - Phó trưởng Phòng NƠXH, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho hay, so với trước đây, Luật Nhà ở năm 2023 đã có nhiều quy định nới lỏng hơn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà.
Cụ thể, chủ đầu tư được miễn ngay tiền sử dụng đất, không cần làm thủ tục xác định giá đất; được hưởng lợi nhuận định mức 10% tính riêng cho phần NƠXH. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được đầu tư NƠXH cho công nhân, người lao động thuê.
Về đối tượng thụ hưởng NƠXH, luật mới đã bỏ quy định về điều kiện cư trú khi thuê, thuê mua. Với trường hợp thuê, chỉ cần đúng đối tượng, không cần đáp ứng điều kiện chưa có nhà ở hoặc thu nhập dưới mức chịu thuế. Mức thu nhập của người mua NƠXH cũng tăng lên so với trước đây.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho hay, Luật Nhà ở năm 2023 đã tạo ra bước đột phá chưa từng có đối với NƠXH; trong đó, đáng chú ý là việc gỡ bỏ các rào cản về điều kiện cư trú, chưa có nhà và mức thu nhập cho người thuê.
Theo ông Tuấn, với quy định mới, chỉ cần thuộc đối tượng là người dân sẽ được thuê NƠXH ở bất cứ đâu trên cả nước. Chính sách cởi mở này tạo ra nguồn cầu lớn. Bên cạnh đó, việc nới lỏng các điều kiện căn bản tạo được sự an tâm cho doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH.
Lý do tỷ lệ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn thấp
Nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng Ban Chính sách Tín dụng Ngân hàng Agribank cho biết, từ 120.000 tỷ đồng ban đầu, hiện gói tín dụng cho vay ưu đãi đối với NƠXH đã được nâng lên 145.000 tỷ với 9 ngân hàng đăng ký tham gia.
Về nguồn cung, 36 tỉnh, thành phố trên cả nước công bố hơn 80 dự án. Riêng Agribank đã cho vay tại 13 dự án với tổng số vốn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đạt 30% và tập trung trong quý 3/2024 sau khi cơ quan quản lý có hướng dẫn rõ ràng theo luật mới.
Theo ông Bách, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn sẵn có của các ngân hàng. Vấn đề không phải là thiếu vốn mà thiếu nguồn cung NƠXH. Để có thêm nhiều dự án, các địa phương cần khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu của người dân.
Ông Bùi Văn Sổn - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, chi nhánh TPHCM cũng thông tin, mức lãi suất cho người thuê mua, mua NƠXH vay đang áp dụng là 6,6%/năm, bằng lãi suất cho vay hộ nghèo.
Nếu so với mức lãi suất ưu đãi trước đây thì 6,6%/năm khá cao. Tuy nhiên, mức này đã được Chính phủ cân nhắc nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình và giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM khẳng định, lãi suất 6,6%/năm như hiện nay là mức ưu đãi.
Đến nay, TPHCM đã công bố 6 dự án NƠXH. Trong đó, chủ đầu tư của 2 dự án đã vay vốn thông thường với lãi suất ưu đãi. Chỉ có 1 dự án nhà ở cho công nhân thuê vay 680 tỷ đồng từ gói 120.000 tỷ đồng, đã giải ngân 170 tỷ đồng.
"Tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn thấp có nguyên nhân chính là thiếu nguồn cung nhà ở và pháp lý dự án chưa đáp ứng. Về phía ngân hàng, chúng tôi không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc triển khai các gói tín dụng”, ông Lệnh nói.