Lãnh đạo nhiều trường đề xuất có thêm phụ cấp cho nhân viên trường học

Nhiều lãnh đạo cơ sở giáo dục cho rằng cần có thêm phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên trường học để tương xứng với khối lượng công việc và giữ chân họ theo nghề.

Các nhân viên trường học như kế toán, nhân viên thư viện,... là viên chức nhưng không phải là nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi về phụ cấp hiện nay của nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Trong đó, có nội dung đề cập đến việc sẽ nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo. [1]

Thu nhập của nhân viên trường học chưa tương xứng với khối lượng công việc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, vai trò của nhân viên trong nhà trường rất quan trọng nhưng chưa có chế độ thu nhập tương xứng so với vị trí việc làm.

Theo cô Nguyệt, nhân viên kế toán tại nhà trường hiện nay có vai trò tham mưu giúp thủ trưởng xây dựng dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện các công việc kế toán tại đơn vị. Điều này bao gồm thiết lập, cập nhật hồ sơ, sổ sách kế toán và lưu trữ các chứng từ đúng quy định. Ngoài ra, kế toán còn lập các báo cáo tài chính, thực hiện kiểm kê tài sản và công khai tài chính; phân tích, đánh giá quản lý tài sản và kinh phí thuộc phần việc được phân công,...

Đối với nhân viên y tế, họ chịu trách nhiệm sơ, cấp cứu cho học sinh, giáo viên; giáo dục sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; quản lý, bảo quản thuốc và tài sản y tế, thiết lập hệ thống sổ sách chuyên ngành và cập nhật thông tin đầy đủ.

Nhân viên thư viện thực hiện công việc quản lý sách, báo, cơ sở vật chất, bổ sung đầu sách, tổ chức kỹ thuật và phục vụ người đọc. Ngoài ra, nhân viên thư viện ở trường còn hướng dẫn học sinh tra cứu tài nguyên thông tin, hỗ trợ giáo viên sử dụng tài liệu giảng dạy, tham gia các hoạt động khuyến đọc, xây dựng danh mục tài liệu theo môn học và khối lớp để hỗ trợ giảng dạy và học tập cho học sinh.

 Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Website nhà trường)

Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trần Bích San, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Website nhà trường)

Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt thông tin thêm: “Hiện tại, mức lương của đội ngũ nhân viên trường học được tính theo bảng lương viên chức tùy vào vị trí công việc và dao động trong khoảng từ 7-7,6 triệu đồng mỗi tháng, tùy vào hệ số lương theo bảng lương hành chính sự nghiệp.

Mặc dù những nhân viên trường học như nhân viên y tế, kế toán, nhân viên thư viện,... đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của nhà trường nhưng theo tôi, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được mức sống cơ bản và chưa thực sự tương xứng với công sức, trách nhiệm mà họ đảm nhận.

Ngoài ra, mức thu nhập này không chỉ thấp so với yêu cầu công việc mà còn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao. Nhân viên trường học phải đối mặt với áp lực lớn trong công việc nhưng họ lại không nhận được mức lương phù hợp, gây ra nhiều khó khăn và những gánh nặng về tài chính. Điều kiện này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của các nhân viên mà còn gây áp lực về mặt tinh thần, khiến họ khó duy trì sự nhiệt huyết và cống hiến trong công việc”.

Còn theo thầy Nguyễn Xuân Thịnh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), quy định của nhà nước đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, nhân viên kế toán và nhân viên hành chính chỉ nhận được mức lương cơ bản (lương cơ sở) mà không có phụ cấp bổ sung dù khối lượng công việc họ đảm nhận rất lớn và đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ trong từng chi tiết.

 Thầy Nguyễn Xuân Thịnh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Xuân Thịnh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: NVCC)

Đối với nhân viên mới ra trường, mức lương thường chỉ dao động trong khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, mặc dù mức lương của những vị trí này sẽ tăng dần theo thâm niên nhưng không nhiều.

Với mức thu nhập hạn chế như vậy, việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản về sinh hoạt như chi phí ăn ở, đi lại và thậm chí là chăm sóc sức khỏe đã trở thành một thách thức lớn đối với nhiều người.

Những khó khăn này không chỉ tác động đến đời sống cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tâm lý làm việc, khiến họ khó duy trì động lực và gắn bó với công việc lâu dài. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho nhà trường trong việc "giữ chân" nhân lực ổn định trong hệ thống giáo dục.

Đề xuất có thêm phụ cấp cho nhân viên trường học giống giáo viên

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Mỹ Châu, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, trên thực tế đối với một trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, toàn bộ nguồn kinh phí của nhà trường đều phụ thuộc vào ngân sách và các chính sách tài chính theo quy định.

Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường không thể tự quyết định các khoản phụ cấp hay hỗ trợ riêng cho đội ngũ nhân viên, bao gồm nhân viên tư vấn học đường, kế toán, thư viện,...

 Thầy Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Mỹ Châu, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Mỹ Châu, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. (Ảnh: NVCC)

“Hiện nay, phần lớn ngân sách từ Nhà nước dành cho các trường công lập đều tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh và phụ cấp thêm cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, các vị trí nhân viên trong trường học không nằm trong đối tượng được hưởng những chính sách phụ cấp này.

Ngoài ra, ngân sách dành cho giáo dục thường có quy định rất rõ ràng, không chỉ về mức phân bổ mà còn về hạng mục chi tiêu, do đó, việc trích thêm phụ cấp hay hỗ trợ cho nhân viên trường học gần như không khả thi. Mặc dù đội ngũ nhân viên này đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo hoạt động trơn tru và an toàn của nhà trường, từ công tác kế toán và hành chính đến chăm sóc sức khỏe học sinh và tư vấn tâm lý nhưng chế độ thu nhập và phúc lợi dành cho họ lại chưa tương xứng với những nỗ lực và áp lực công việc mà họ phải đối mặt.

Chính vì vậy, để tạo động lực và sự an tâm của họ trong công việc, theo tôi, rất cần có sự cải cách về chính sách lương và phụ cấp cho đội ngũ nhân viên trường học. Điều này nhằm công nhận đúng vai trò và giúp họ đảm bảo mức sống cơ bản, đồng thời khuyến khích đội ngũ nhân viên trường học tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Toàn cho hay.

Còn theo cô Hoàng Thị Minh Nguyệt, để tăng thêm thu nhập và tạo sự công bằng cho đội ngũ nhân viên trong các trường học, rất cần có những cải cách về chính sách tiền lương và phụ cấp theo vị trí việc làm.

Hiện tại, vị trí nhân viên y tế trong trường học đã được hưởng phụ cấp 20% theo quy định tại văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BYT năm 2023 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nhờ tính chất đặc thù của công việc. Trong khi đó, các vị trí khác như kế toán và nhân viên thư viện, dù đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nhưng chưa nhận được phụ cấp tương tự, tạo ra sự chênh lệch và làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ này.

“Theo tôi, cần có những cải cách về tiền lương nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ nhân viên trường học, bao gồm việc bổ sung phụ cấp từ 10-20% cho các vị trí như kế toán và nhân viên thư viện để ghi nhận xứng đáng sự đóng góp của họ. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống xếp hạng chức danh nghề nghiệp, vị trí công việc, mức độ đào tạo cho nhân viên tương tự như giáo viên sẽ tạo điều kiện để họ có cơ hội thăng tiến và nâng cao thu nhập theo chuyên môn và thâm niên làm việc.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh nguồn ngân sách Nhà nước dành cho đội ngũ hỗ trợ trong trường học cũng rất cần thiết để mức thu nhập của họ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống hiện tại. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao đời sống của nhân viên mà còn góp phần duy trì một môi trường làm việc ổn định, lâu dài và chất lượng cao trong hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, để hỗ trợ nhân viên nâng cao trình độ, các nhà trường nên khuyến khích nhân viên học cao học nhằm nâng cao trình độ và tham gia vào các hoạt động nâng cao chuyên môn. Đồng thời, nhân viên được khích lệ tham gia vào các ban hoạt động ngoài giờ lên lớp và ban quản lý dạy thêm, học thêm nhằm mở rộng kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường kỹ năng tổ chức và quản lý.

Nhà trường cũng cần cam kết động viên, khen thưởng kịp thời đối với những đóng góp tích cực, đề xuất khen thưởng lên cấp trên để ghi nhận thành tích, tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ nhân viên trường học”, cô Nguyệt nhận định.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghien-cuu-de-xuat-cho-nhan-vien-truong-hoc-duoc-huong-phu-cap-nghe-119241109180401266.htm

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lanh-dao-nhieu-truong-de-xuat-co-them-phu-cap-cho-nhan-vien-truong-hoc-post247021.gd