Lãnh đạo QLTT kể chuyện khó xử lý việc trộn rượu nho để giả vang
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết các đối tượng làm hàng giả ngày càng tinh vi hơn, luồn lách pháp luật nên rất khó xử lý.
Sáng 30/7, Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tổ chức họp báo quý II, trao đổi kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm.
Tại buổi họp báo, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, dành nhiều thời gian để nói về những khó khăn và vấn đề mới trong việc chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian gần đây.
“Bối cảnh chống hàng giả đã mới so với những năm trước đây. Nó tác động đến hành vi gian lận thương mại, cũng như hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả”, ông Linh mở đầu.
Theo ông Linh, thủ đoạn buôn lậu không có gì mới nhưng mức độ đã tinh vi hơn, phức tạp hơn. 6 tháng vừa qua, việc sản xuất kinh doanh hàng giả có chiều hướng chuyển làm ngay bên trong nội địa. Sản phẩm không những làm giả hàng nước ngoài mà còn làm giả chính hàng sản xuất trong nước.
“Hình thức mới là làm giả về chất lượng, về đo lường, biết cách luồn lách vào chính sách của chúng ta”, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường nói.
Ông Linh lấy ví dụ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2019, cơ quan này phát hiện một số hành vi làm giả, làm nhái rượu vang nhưng lại rất khó xử lý. Theo đó, các cơ sở kinh doanh đã lấy rượu trộn với phẩm màu, dịch quả nho để tạo thành vang nho.
“Họ biết rất rõ pháp lý nên luồn lách. Rượu đó làm giả, làm nhái có chất lượng kém hơn sản phẩm chính hãng. Nhưng theo tiêu chuẩn về rượu thì lại rất khó xử lý”, ông Linh chia sẻ.
Ông Trần Hữu Linh cũng cho biết trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào việc xử phạt xử lý các hàng giả hàng nhái trong và ngoài nước.
Gần đây, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam làm giả xuất xứ ngày cần nhiều. Cơ quan này cũng sẽ tích cực tập trung kiểm tra các tụ điểm, ổ nhóm, điểm nóng phân phối hàng giả, hàng lậu, hàng nhái.
Tổng cục trưởng QLTT dẫn chứng cơ quan này đã tổ chức kiểm tra các địa điểm như chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), trung tâm thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành (TP.HCM)… phát hiện và thu giữ nhiều hàng giả nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.
Nói về việc vi phạm về xuất xứ đang xảy ra phổ biến, ông Linh thông tin trong tháng 8 tới, Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến rộng rãi nghị định về xuất xứ hàng hóa Việt Nam tiêu thụ nội địa.
Cũng tại họp báo, nói về kết quả kiểm tra vụ Asanzo theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết các lực lượng chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… đang tập trung xác định làm rõ đúng sai của doanh nghiệp.
“Sau ngày 30/7, chúng tôi sẽ tập hợp kết quả của cơ quan và thông báo rộng rãi. Tôi nhấn mạnh tinh thần nghiêm túc, khách quan, bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng”, ông Thế nói.