Lãnh đạo quân đội Myanmar bị loại khỏi hội nghị cấp cao ASEAN
Các bộ trưởng ngoại giao từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Sáu (15/10) đã nhất trí không mời Tổng tư lệnh quân đội Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong tháng này vì tiến độ khôi phục hòa bình ở nước này diễn ra chậm chạp.
Một nhà ngoại giao ASEAN có trụ sở tại Yangon cho biết: "Ông Min Aung Hlaing sẽ không được mời đến hội nghị của ASEAN".
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, trong một hội nghị về an ninh quốc tế ở Moscow vào tháng Sáu. Ảnh: Reuters
Việc tướng Min Aung Hlaing bị loại khỏi cuộc họp cấp cao nhất của khu vực cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với chính phủ quân sự Myanmar, vốn đã miễn cưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết tình trạng bất ổn ở nước này kể từ khi họ lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2.
Theo các nguồn tin, các bộ trưởng ngoại giao của khối 10 thành viên đã thảo luận về vấn đề này trong một cuộc họp trực tuyến, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao do quân đội Myanmar bổ nhiệm Wunna Maung Lwin cũng tham gia.
"Sự tham gia của Myanmar tại các hội nghị thượng đỉnh không nên được đại diện ở cấp độ chính trị cho đến khi Myanmar khôi phục nền dân chủ của mình thông qua một quá trình bao trùm", Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chia sẻ trên Twitter sau cuộc họp,
Không rõ ai sẽ đại diện cho Myanmar tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng một nguồn tin cho biết đất nước sẽ chỉ được đại diện bởi một "nhân vật phi chính trị".
ASEAN sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp liên quan từ ngày 26 tháng 10 đến ngày 28 tháng 10, gồm Hội nghị cấp cao Đông Á hàng năm, một cuộc họp khu vực với các đối tác của khối như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các cuộc họp dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề bao gồm an ninh, thương mại và phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Quyết định hôm thứ Sáu (15/10) được đưa ra trong bối cảnh lộ trình "đồng thuận 5 điểm" thiếu tiến bộ cho một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Myanmar, mà các thành viên đã nhất trí tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 4 ở Jakarta.
Vào tháng 8, ASEAN đã bổ nhiệm thứ trưởng ngoại giao của Brunei, Erywan Yusof, làm đặc phái viên của mình tại Myanmar, có nhiệm vụ hòa giải tình hình bất ổn chính trị. Nhưng Erywan vẫn chưa đến Myanmar, mặc dù ông ấy đã lên kế hoạch từ đầu tuần này.
Trong cuộc họp ngoại trưởng diễn ra ngày 4/10 vừa qua, Malaysia và một số nước đã nêu vấn đề không mời ông Min Aung Hlaing tham dự hội nghị thượng đỉnh. Erywan nói với các phóng viên sau cuộc họp đó rằng cả khối đã thảo luận sâu sắc về vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết hôm thứ Năm rằng chính phủ quân sự "cam kết hợp tác một cách xây dựng trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm".
Họ tuyên bố chính quyền quân sự không thể đáp ứng chuyến thăm của đặc phái viên vì Erywan đã khăng khăng muốn gặp "một số cá nhân cụ thể", trong đó có lãnh đạo được bầu bị lật đổ vào ngày 1 tháng 2, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi.
Chính phủ quân sự cũng phải chịu áp lực từ các nhóm nhân quyền quốc tế. Trong một bức thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo ASEAN trong tuần này, các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền đã kêu gọi loại ông Min Aung Hlaing khỏi cuộc họp, với lý do quân đội "coi thường trắng trợn" đối với đồng thuận 5 điểm.
Trước cuộc họp ASEAN hôm thứ Sáu (15/10), chính phủ của một số quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Na Uy đã ra tuyên bố chung, kêu gọi Myanmar "tham gia một cách xây dựng với đặc phái viên ASEAN để thực hiện các khía cạnh khác của thỏa thuận 5 điểm một cách nhanh chóng và đầy đủ".
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, khoảng 1.178 người đã bị quân đội Myanmar giết hại tính đến nay kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra.
Vũ Long (theo Nikkei)