Lãnh đạo quốc gia EU nói điều bất ngờ về các lệnh trừng phạt Nga
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic thừa nhận các lệnh trừng phạt mới với Nga không hiệu quả, ngược lại còn khiến chính EU chịu tổn thương.
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Tới nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.
Mới nhất, hôm 31-5, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý một gói trừng phạt mới nhằm cấm nhập khẩu tất cả dầu của Nga được giao bằng tàu - không phải bằng đường ống – nhưng không áp đặt lệnh cấm nhập khẩu khí đốt.
Bất chấp những cú ra đòn liên tiếp của Mỹ và đồng minh, theo đài RT (Nga), đồng rúp của Nga đang trở nên mạnh hơn trong khi công dân EU phải đối mặt với giá cả tăng cao hơn do các lệnh trừng phạt không có tác dụng.
"Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả. Nga không cảm nhận được chúng, đồng rúp đã không sụp đổ. Công dân EU phải trả giá, ông Putin cười mỉm hài lòng và dầu khí sẽ chuyển sang nơi khác vì nhu cầu rất lớn" - Tổng thống Zoran Milanovic nói trên tờ Zagreb và gọi lời giải thích của EU về lệnh cấm vận một phần dầu khí Nga là sự "xúc phạm".
Tổng thống Croatia nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của EU hiện tại "không có hiệu lực ngay cả đối với Serbia" và điều duy nhất có thể xảy ra là giá cả tăng cao hơn với công dân các nước EU.
Tổng thống Zoran Milanovic cũng nói Croatia có rất ít lực tác động trong khối EU, không giống như nước láng giềng Hungary.
"Người đóng vai trò quan trọng là Hungary" - đài RT của Nga dẫn lời ông Milanovic tuyên bố và chỉ ra rằng Budapest phải chịu trách nhiệm về việc Nga được miễn trừ lệnh trừng phạt đối với khí đốt. Tổng thống Milanovic cũng phàn nàn rằng Brussels không quan tâm đến những gì Croatia cần.
"Những lý do mà EU viện dẫn để không cấm vận khí đốt Nga nhìn chung là một sự xúc phạm" - nhà lãnh đạo Croatita nói thêm.
Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Draghi nhận định "các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có tác động tối đa đối với nền kinh tế Nga từ mùa hè này trở đi".
"Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng đến thương mại quốc tế trong nhiều năm, nếu không phải là mãi mãi" - Thủ tướng Draghi phát biểu sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels hôm 31-5.
Hồi tháng 4, Tổng thống Milanovic tuyên bố trừ khi Mỹ và EU đảm bảo quyền của người Croatia ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina, nếu không Zagreb sẽ chặn các đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, đảng HDZ theo chủ nghĩa dân tộc, chiếm đa số trong nghị viện Croatia, đã bác bỏ một hành động như vậy.
Thế nhưng vẫn còn đó Thổ Nhĩ Kỳ cản trở việc NATO mở cửa với hai quốc gia Bắc Âu với lý do được cho là họ ủng hộ các chiến binh người Kurd mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố, theo RT.