Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cần Thơ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học
Ngày 28/11, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cần Thơ kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học.
Đoàn kiểm tra do ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT dẫn đầu, cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, phòng GD&ĐT. Trong ngày, lãnh đạo Sở đã đến kiểm tra 2 điểm Trường mầm non 2 tháng 9, quận Ninh Kiều và Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn.
Bảo đảm an toàn từng khâu
Hằng năm trong kế hoạch nhiệm vụ năm học mới, Sở đều có hướng dẫn các phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường có đủ các điều kiện tổ chức bán trú, xây dựng kế hoạch bán trú phù hợp với thực tế và trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức lựa chọn đăng ký nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh và tổ chức lưu mẫu, bảo quản sau khi chế biến thức ăn theo quy định.
Năm học 2022-2023, Trường Mầm non 2/9 có 487 trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, với 14 nhóm lớp. Cô Dương Thị Mai Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo quy trình, chúng tôi thực hiện các khâu như hợp đồng thực phẩm với các đơn vị, cơ sở có chứng nhận VSATTP và được kiểm định chất lượng, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. Tại trường, chúng tôi cũng phân công tổ tự quản có nhiệm vụ kiểm tra thực phẩm hàng ngày từ nguồn đầu vào và nguồn đầu ra.
“Đối với trường mầm non, nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức quan trọng đối với trẻ mầm non” - Cô Dương Thị Mai Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 tháng 9, quận Ninh Kiều
Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường là quán triệt đội ngũ nhà trường phải thực hiện quy định bếp một chiều.
Riêng đối với đội ngũ bếp và cấp dưỡng, nhà trường tổ chức kiểm tra sức khỏe thường xuyên, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về dinh dưỡng cũng như bảo đảm VSATTP, đồng thời phân công cán bộ phụ trách các nhóm lớp.
"Việc lưu mẫu và kiểm tra lưu mẫu thực phẩm được thực hiện theo đúng gam lượng, quy trình, đồng thời phải được ghi chép cụ thể và sự giám sát của nhân viên y tế, cán bộ quản lý. Sau 24 giờ thì nhân viên phụ trách lưu mẫu có nhiệm vụ hủy thực phẩm theo quy định", cô Trâm thông tin thêm.
Tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận Ô Môn, do địa bàn trường gần khu vực chợ trung tâm nên việc bảo đảm ATVSTP luôn được nhà trường chú trọng. "Nhà trường luôn giám sát, kiểm tra ATVSTP trong hầu hết các khâu, từ khâu tiếp phẩm, hợp đồng thực phẩm... Nhà trường phải tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng", thầy Trần Quốc Khành - Hiệu trường nhà trường cho biết.
Ngoài ra, nhà trường cũng phân công ban giám hiệu và công đoàn, thanh tra trường thường xuyên tổ chức thực hiện công tác tiếp phẩm, kiểm tra từ khâu tiếp phẩm, chế biến, lưu mẫu... nguồn thức ăn vào và ra tại bếp ăn trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt, bếp trưởng Trường Mầm non 2 tháng 9, quận Ninh Kiều chia sẻ: "Hằng năm, chúng tôi đều được tập huấn chuyên môn và kiểm tra sức khỏe định kỳ đảm bảo điều kiện tốt cho công việc. Phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của nhà trường, đảm bảo các khâu từ kiểm tra thực phẩm trước khi tiếp nhận, trước khi chế biến và sau mỗi lần chuyển thức ăn cho trẻ đều phải kiểm tra lại".
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo Sở GD&ĐT Cần Thơ, năm học 2022 - 2023, TP Cần Thơ có 171 trường mầm non, 169 trường tiểu học với khoảng 51.111 trẻ mầm non và 99.091 học sinh tiểu học. Trong đó có gần 34.000 học sinh tiểu học và hơn 42.000 trẻ bán trú mầm non.
Ngay từ đầu năm học, ngành GD quận Ninh Kiều đều phối hợp với ngành y tế địa phương triển khai tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng, những người làm công tác bán trú, lãnh đạo nhà trường, xây dựng phương án xử lý sự cố khi xảy ra ngộ độc trong trường nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ông Võ Hồng Lam, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết: Phòng có chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực các khâu từ kiểm duyệt đơn vị cung cấp thực phẩm, đến chế biến và bảo quản tuân thủ nguyên tắc theo quy định của y tế.
"Bảo đảm an toàn VSATTP, nhất là các trường tổ chức bếp ăn bán trú luôn được ngành GD&ĐT quan tâm, ngay từ đầu năm học, trước khi triển khai bán trú cho học sinh. Phòng phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn, kiểm tra các điều kiện tổ chức bán trú tại các trường trên địa bàn quận", ông Lam thông tin thêm.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn VSATTP và bếp ăn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở đã tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở GD có tổ chức bán trú.
Qua kiểm tra các cơ sở giáo dục, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đánh giá cao việc tổ chức thực hiện bán trú của các trường. Nhà trường chấp hành nghiêm quy định về an toàn VSATTP, quy chế nhà trường. Đội ngũ cán bộ nhân viên đều được tập huấn đầy đủ các nội dung kiến thức an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường.
Cơ sở vật chất đồ dùng bếp ăn được xếp ngăn nắp, gọn gàng đảm bảo theo quy định, chất lượng bữa ăn học đường được nâng lên so với những lần kiểm tra trước đây.
Kế hoạch tới đây ngành GD sẽ kiểm tra các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, tiếp tục quán triệt triển khai các văn bản liên quan đến lớp học bán trú, bữa ăn học đường; tiếp tục phối hợp liên ngành tổ chức triển khai kiểm tra đột xuất.