Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời việc 'nam sinh ôm vai, vuốt tóc cô giáo'
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá, cô giáo hòa đồng, gần gũi với học sinh. Tuy nhiên là giáo viên trẻ nên kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.
Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế xã hội quý III năm 2024. Tại cuộc họp, trả lời báo chí liên quan đến vụ trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip quay cảnh một nam sinh có hành vi trêu đùa ôm vai, vuốt tóc cô giáo tại vị trí bàn giáo viên được cho là xảy ra tại một trường học của quận Long Biên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã yêu cầu phía nhà trường xác minh và báo cáo cụ thể sự việc trên.
Theo đó, sự việc xảy ra vào sáng ngày 27/9/2024 tại lớp 10A4 Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Vụ việc xảy ra vào giờ ra chơi của cô giáo dạy Văn. Có 2 tiết học, sau khi cô giáo dạy xong tiết 1 thì ra chơi, chứ vụ việc không xảy ra trong giờ học. “Giờ ra chơi, cô giáo ở lại lớp, chuẩn bị cho tiết sau. Lúc đó có một số học sinh nói chuyện, có cử chỉ trêu chọc”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, qua xác minh, cô giáo dạy Văn là giáo viên trẻ, sinh năm 2001, mới ra trường, và được nhà trường ký hợp đồng lao động. Trong quá trình làm việc, cô giáo hòa đồng, gần gũi với học sinh. Tuy nhiên là giáo viên trẻ nên kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém, không nghiêm khắc, nhắc nhở kịp thời học sinh về lời nói, cử chỉ. Chính vì vậy nên bị hiểu nhầm, làm ảnh hưởng đến cá nhân và nhà trường.
Đối với học sinh, nhà trường và cơ quan chức năng đã trao đổi với phụ huynh và học sinh. Học sinh cũng ý thức được đây là việc làm mang tính tự phát, bộc phát, thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến nhà trường, đến học sinh.
“Sau khi xác minh, trường đã tạm thời đình chỉ việc làm đối với cô giáo để kiểm điểm, làm rõ, yêu cầu rút kinh nghiệm trong quản lý. Còn đối với học sinh thì cô giáo chủ nhiệm làm việc với phụ huynh học sinh trao đổi để học sinh rút ra được thiếu sót của mình. Bản thân các em cũng nhận thức ra vấn đề, lúc đầu các em nghĩ trêu đùa cô giáo, các bạn trong lớp với nhau chứ cũng không nghĩ sẽ ảnh hưởng lớn như vậy. Nên nhà trường chỉ đánh giá hạnh kiểm đối với các em theo quy định”, ông Tuấn nói.
Qua đây, ông Tuấn cũng cho biết thấy được kinh nghiệm trong quản lý, ngành đã có văn bản chỉ đạo các trường học giữ gìn môi trường, khung cảnh sư phạm, cũng như các công việc liên quan đến văn hóa học đường trong thời gian tới.