Lãnh đạo số là 'chìa khóa' tạo sự đột phá trong chuyển đổi số
Chính phủ đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng để trang bị kỹ năng số phù hợp cho người lao động, sẵn sàng thích ứng với công cuộc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là xu hướng lớn, một bước chuyển lớn của thời đại, có tác động sâu rộng đến mọi mặt, đã và đang gõ cửa các quốc gia trên thế giới. Mức độ đón nhận và thúc đẩy chuyển đổi số của quốc gia ngày nay sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh, sự thịnh vượng trong nhiều thập niên tới.
Những quốc gia chậm thích ứng sẽ bị bỏ lại phía sau, mất đi lợi thế cạnh tranh, những quốc gia tiên phong sẽ hưởng lợi thế của người dẫn đầu trong kỷ nguyên số.
Thực tế cho thấy chuyển đổi số ở nước ta gần đây đã có sự chuyển biến đáng kể trên cả ba trụ cột là chính phủ số, xã hội số, nhất là kinh tế số có sự tăng trưởng vượt bậc, tăng 28% năm 2022, 19% năm 2023, tăng 22,4% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tỷ trọng kinh tế số năm 2023 ước tính đạt 16,5%, 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 18,3% GDP.
Song thật khó phủ nhận rằng chúng ta đã chậm muộn trên nhiều phương diện, từ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cơ sở hạ tầng số so với các nước đi trước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Vậy trong ngổn ngang biết bao nhiêu vấn đề, chúng ta cần đột phá vào đâu, đột phá thế nào để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ở nước ta hiện nay nhanh chóng bắt kịp thế giới?
Con người là trọng tâm
Tôi cho rằng chúng ta cần đột phá vào yếu tố con người, xác định nguồn nhân lực là trung tâm, nhân tài là cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, bởi đây là tài sản lớn nhất mà chúng ta có và có thể làm tốt. Hơn nữa, một khi người tài được trọng dụng, chúng ta sẽ tìm ra những cách thức vận hành, lối đi thích hợp với khả năng và nguồn lực thực tế để tạo nên sự khác biệt.
Nâng tầm năng lực lãnh đạo số khu vực công. Lãnh đạo số là chìa khóa, đầu tàu quyết định tốc độ, sự thành công của công cuộc chuyển đổi số. Chỉ khi chúng ta có được đội ngũ lãnh đạo chủ chốt được trang bị đầy đủ năng lực số, khu vực công mới có thể vượt lên trong kỷ nguyên số.
Bởi vậy, trước hết, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo số cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. Họ cần được đào tạo liên tục để hiểu rõ công nghệ hiện thời và sẵn sàng với công nghệ tương lai, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số mới nhất để bắt nhịp với xu hướng công nghệ toàn cầu.
Người lãnh đạo cần nhạy bén nắm bắt các cơ hội mới trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, để chủ động xử lý các vấn đề phức tạp, đủ sức dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số của đơn vị, thực hiện tốt các chiến lược, các dự án công nghệ số lớn nhằm nâng cao dịch vụ công và quản trị đất nước,...
Người lãnh đạo không chỉ hiểu rõ về công nghệ tiên tiến mà còn phải biết cách ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quyết định chính sách, quản lý và điều hành đơn vị, bộ máy nhà nước.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ chuyên gia cốt cán về các công nghệ mới nổi, dữ liệu lớn, AI, điện toán đám mây, Blockchain, Internet vạn vật, công nghệ tài chính. Các công nghệ mới nổi này là nền tảng của nền kinh tế số đang bùng nổ của Việt Nam với tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế lớn cho đất nước.
Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng để trang bị kỹ năng số phù hợp cho người lao động sẵn sàng thích ứng với công cuộc chuyển đổi số. Cụ thể, tập trung vào bốn đối tượng: Người lao động hiện tại đã có kỹ năng số; Người lao động hiện tại chưa có kỹ năng số; Người lao động trong tương lai; Người lao động thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Với đối tượng người lao động hiện tại đã có kỹ năng số, một mặt, cần cung cấp các chương trình dài hạn nhằm đào sâu kiến thức, nâng cao kỹ năng hiện có, mặt khác, cung cấp các khóa học kỹ năng số ngắn hạn, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu kỹ năng cấp bách.
Với đối tượng người lao động hiện tại chưa có kỹ năng số, cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số ở nhiều năng lực khác nhau, từ cơ bản đến tiên tiến. Cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho người lao động để đầu tư phát triển kỹ năng số. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đào tạo kỹ năng số cho nhân viên.
Với đối tượng người lao động thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, có các chương trình mục tiêu nhằm đào tạo các kỹ năng cơ bản để họ “sẵn sàng cho công việc” ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với đối tượng người lao động trong tương lai. Đối với học sinh, tập trung trang bị nền tảng năng lực số vững chắc, các kỹ năng số thiết yếu sẵn sàng cho việc đào tạo tiếp theo,… Với sinh viên, tập trung trang bị các kỹ năng số thiết yếu “sẵn sàng làm việc” trong một thế giới do AI và công nghệ thúc đẩy.
Xây dựng hạ tầng công nghệ
Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực then chốt, như hạ tầng dữ liệu và công nghệ số gồm mạng viễn thông tốc độ cao, trung tâm dữ liệu an toàn và hệ thống lưu trữ dữ liệu đám mây quốc gia. Ứng dụng AI, Internet vạn vật và dữ liệu lớn để cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả. Tích hợp dữ liệu lớn và AI vào hệ thống quản lý công giúp các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định với thông tin chính xác, kịp thời, không chỉ để quản lý hiện tại mà còn để dự báo, lên kế hoạch cho tương lai.
Xúc tiến việc ứng dụng dữ liệu lớn trong quy hoạch đô thị, quản lý giao thông, y tế công cộng, sử dụng các mô hình dự báo dựa trên AI để dự báo các thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, và quản lý năng lượng.
Kết nối trí tuệ toàn cầu, đứng trên vai người khổng lồ
Đẩy mạnh kết nối, tận dụng triệt để trí tuệ toàn cầu, phát huy tinh thần “tầm sư học đạo” đứng trên vai người khổng lồ là một trong những giải pháp để tạo bệ phóng cho công cuộc chuyển đổi số.
Ngoài ra, cần kết nối, giữ mối liên hệ mật thiết với cộng đồng nhân tài công nghệ số là người Việt Nam ở nước ngoài, làm cầu nối kết nối trí tuệ Việt Nam với trí tuệ toàn cầu, mời họ về nước làm việc ở viện nghiên cứu, đại học, dự án, chương trình công nghệ trọng điểm, tư vấn về chiến lược, chính sách phát triển công nghệ số, về chuyển đổi số.
Có cơ chế đặc biệt, chế độ đặc thù với mức lương hấp dẫn, công việc đầy thách thức, có ý nghĩa lớn lao, tạo môi trường thuận lợi mời nhân tài công nghệ số người Việt Nam thành danh ở nước ngoài hợp lực với các tài năng công nghệ trong nước cùng nhau tạo ra các giải pháp công nghệ số có tác động lớn đến cuộc sống của con người, xã hội.
Trao cho họ trọng trách và nhiệm vụ xứng tầm, nhiều quyền để tự chủ trong công việc, không gian rộng lớn để chinh phục các công việc đầy thách thức mang lại giá trị, ý nghĩa lớn lao. Bố trí các cán bộ lão luyện, giàu kinh nghiệm giúp họ giải quyết các quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, “nhiêu khê”...
Phát huy tinh thần “tầm sư học đạo” "đứng trên vai người khổng lồ" là tìm đến những bậc thầy giỏi nhất để học hỏi, học đến nơi đến chốn, học từ người Singapore trong xây dựng và quản trị quốc gia thông minh, học từ người Hàn Quốc, người Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ số tiên tiến, học từ người Mỹ, người Anh trong đào tạo đội ngũ tài năng công nghệ số...
Thể chế, chính sách đi trước một bước
Thể chế, chính sách định hướng thực thi cần đi trước một bước, mạnh dạn thực hiện nhiều cơ chế thử nghiệm để tạo lối, mở đường, không gian rộng mở cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển, nhất là các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp.
Thiết lập cổng dữ liệu mở chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan chính phủ, giúp doanh nghiệp, công chúng tiếp cận các nguồn dữ liệu về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, giao thông,... để phát triển các giải pháp sáng tạo dựa trên dữ liệu, tận dụng thông tin, dữ liệu để đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời,...
Hậu thuẫn một số “đại bàng” tư nhân nội về công nghệ số củng cố vị thế vững mạnh ở thị trường nội địa làm bàn đạp tiên phong tiến ra toàn cầu, có thể hỗ trợ bằng thuế, hỗ trợ R&D, nới lỏng các rào cản quy định, thủ tục…
Đẩy mạnh việc hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn có đủ nguồn lực đầu tư phát triển R&D, ứng dụng công nghệ số. Mặt khác, giảm tối đa doanh nghiệp nhà nước để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn, giảm bớt cơ hội tham nhũng, tiêu cực và tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.
Đảm bảo đầy đủ các định chế hỗ trợ việc thực thi chính sách hiệu quả. Chính sách phải rõ ràng và dễ thực hiện, ít đầu mối quản lý. Cần thiết lập nền tảng số "một cửa" dễ sử dụng, giải thích rõ ràng về lợi ích của chuyển đổi số, các cơ chế, chính sách hỗ trợ,...
Tập trung vào các lĩnh vực cụ thể để thực hiện theo từng bước với lộ trình rõ ràng. Sự chuyển đổi dứt khoát theo từng bước với lộ trình và kết quả rõ ràng không chỉ để người dân và doanh nghiệp làm quen và dần thích ứng, mà sẽ làm cho người dân, doanh nghiệp ngày càng vững tin vào công cuộc chuyển đổi số, tin rằng đó chính là con đường đưa đất nước thịnh vượng trong kỷ nguyên số này.
Tóm lại, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cơ hội tốt cho các nước không có truyền thống phát triển công nghiệp có thể bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, nhưng cũng khiến các nước chậm thích ứng tụt hậu xa hơn. Mệnh lệnh thời đại đang đòi hỏi chúng ta cần hành động mau lẹ, có giải pháp chiến lược để vượt lên trong chuyển đổi số, tiến cùng thế giới.
Chúng ta đã chậm muộn so với các nước đi trước. Nếu không có giải pháp chiến lược để vượt lên, chúng ta tiếp tục bị tụt lại phía sau và việc bắt kịp lại càng khó hơn.
Thời gian còn lại cho sự phát triển bứt tốc không nhiều, hơn bao giờ hết, đây là lúc cần có giải pháp chiến lược tạo bệ phóng cho công cuộc chuyển đổi số ở nước ta hiện nay vượt lên đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ, hùng cường trong kỷ nguyên 4.0, xứng tầm với một đất nước có quá khứ hào hùng với lịch sử ngàn năm văn hiến.