Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận trách nhiệm về sữa giả, thực phẩm dinh dưỡng giả

Tại phiên chất vấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đã trả lời về trách nhiệm vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả... được phát hiện thời gian qua.

Ngày 9/7, HĐND TP. Hà Nội tổ chức phiên chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm (ATT) và những nội dung liên quan.

Trước khi bắt đầu phiên chất vấn, đại biểu được xem một clip dài khoảng 20 phút về các vấn đề liên quan đến ATTP do HĐND thành phố thực hiện.

Sau khi xem xong clip, đại biểu Nguyễn Quang Thắng cho biết, trong phóng sự có tình trạng người trồng rau dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ chiều tối hôm trước. Tuy nhiên, sáng hôm sau người trồng rau khu vực này đã thu hoạch và đưa rau đi tiêu thụ. Đại biểu đề nghị Sở NN&MT làm rõ tình trạng trên.

Về nội dung này, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, khu vực trồng rau được nêu trong phóng sự ở phường Phúc Lợi (Hà Nội).

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội

Theo ông Đại, tổng diện tích đất nông nghiệp tại phường khoảng 51ha, trong đó diện tích trồng rau màu khoảng 8,5ha.

Tuy diện tích nhỏ, nhưng nằm rải rác và xen kẽ trong cả diện tích trồng cây ăn quả, nên việc kiểm soát sử dụng thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, qua tuyên truyền, đa phần người dân đã chuyển sang sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Ngoài ở phường Phúc Lợi, người dân tại nhiều khu vực ngoài vùng sản xuất rau tập trung chuyên canh vẫn dùng đất vườn để trồng rau rồi mang ra chợ cóc bán. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa vào vùng chuyên canh để quản lý chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu rau củ cho nhân dân Thủ đô, Sở đã liên kết, phối hợp với các địa phương cung cấp rau theo tiêu chuẩn Vietgap", ông Đại thông tin.

Sở Y tế nhận trách nhiệm về sữa giả, thực phẩm dinh dưỡng giả

Tại phiên chất vấn, đại biểu cho biết tình trạng sữa giả, thực phẩm chức năng giả thời gian qua liên tiếp được phát hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền sản xuất, uy tín mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Y tế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có 3.800 cơ sở kinh doanh phân phối sữa, thực phẩm bổ sung.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội

Từ năm 2022 đến nay, Sở đã thành lập 82 đoàn kiểm tra, phát hiện 26 vụ vi phạm và đã tiến hành xử phạt số tiền 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn mà nguyên nhân là do Nghị định 15/2028 còn nhiều hạn chế về tự công bố, quảng cáo.

Về trách nhiệm, ông Nguyễn Đình Hưng cho rằng Sở Y tế là cơ quan quản lý chất lượng sữa trẻ em, thực phẩm dinh dưỡng, tiếp nhận công bố sản phẩm; Sở Công Thương quản lý hệ thống phân phối bán lẻ...

Về giải pháp, ông Nguyễn Đình Hưng cho rằng cần tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm; tăng cường tần suất lấy mẫu; thực hiện truy xuất nguồn gốc; phối hợp nghiên cứu chế tài xử phạt nặng để răn đe.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Hưng cũng thông tin tin về việc kiểm tra, xử lý thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo ông Hưng, trên địa bàn thành phố có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong giai đoạn 2023-2025, cơ quan chức năng kiểm tra 200.000 nghìn cơ sở, trong đó 10% cơ sở vi phạm, phạt 52 tỷ đồng. Trong đó, một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng đã bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc ngừng sản xuất.

Dù vậy, tình trạng hàng giả, hàng nhái, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vẫn diễn ra phổ biến. Trong đó có các nhóm thực phẩm chức năng, sữa, đồ uống và bếp ăn tập thể.

Để xử lý căn cơ vấn đề này, ông Hưng đưa ra một loạt đề xuất, trong đó cần nâng gấp đôi mức xử phạt so với hiện hành để có tính răn đe hơn.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lanh-dao-so-y-te-ha-noi-nhan-trach-nhiem-ve-sua-gia-thuc-pham-dinh-duong-gia-post1758740.tpo