Lãnh đạo tập đoàn lớn nhất Ấn Độ muốn đầu tư hàng tỷ USD vào cảng Liên Chiểu
Bắt đầu chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, sáng 31/7, tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani.
Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ quan tâm các dự án cảng biển, hàng không
Adani là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng; sở hữu 14 cảng biển tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay của nước này; là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ.
Năm 2023, doanh thu tập đoàn đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận đạt khoảng 2,9 tỷ USD với 29.000 nhân viên trên toàn cầu. Ở thời điểm cuối năm 2023, ông Gautum Adani là tỷ phú giàu thứ 15 thế giới, sở hữu 82,5 tỷ USD, và là người giàu thứ hai tại Ấn Độ và châu Á.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo tập đoàn Adani gửi lời chia buồn trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bày tỏ ngưỡng mộ những đóng góp, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Lãnh đạo Adani cho biết, tại Việt Nam, tập đoàn đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, với tổng vốn dự kiến đạt trên 2 tỷ USD nhằm mong muốn tạo hệ sinh thái đầy đủ về logistics tại Đà Nẵng.
Adani cũng mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận, cụ thể là dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.
Ngoài ra, Adani cũng có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai.
Tập đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo, tạo điều kiện và nêu một số đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn Adani đã bày tỏ sự chia sẻ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối với dự án cảng Liên Chiểu, Thủ tướng cho biết chủ trương lựa chọn một nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng tổng thể của dự án, còn việc khai thác có thể hợp tác với các doanh nghiệp phía Việt Nam.
Ông đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi trực tiếp với tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp này để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai các thủ tục theo quy định.
Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của tập đoàn tham gia xây dựng các sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…
Ông đề nghị tập đoàn trao đổi với các cơ quan phía Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong đó, Thủ tướng khẳng định sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, thuận lợi và tiềm năng khai thác rất lớn.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn Adani tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Adani.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực hạ tầng chiến lược.
Đề nghị các tập đoàn dược góp ý hoàn thiện thể chế, chuyển giao công nghệ với phía Việt Nam
Trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, sáng 31/7, tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm.
Thủ tướng đã có các cuộc tiếp ông P. Ramesh Babu, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và ông Narendra Reddy, Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika; tiếp ông Dharmesh Shah, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn dược phẩm BDR.
Lãnh đạo SMS Pharmaceuticals đánh giá Việt Nam đang phát triển rất năng động, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi và là nơi thu hút đầu tư số 1.
SMS Pharmaceuticals và Sri Avantika Contractors đã thành lập liên doanh với công ty Việt Nam để đề xuất phát triển Khu công nghiệp Dược phẩm công nghệ cao tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với số vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1 và sẽ thúc đẩy, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD trong hơn 10 năm tới, sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Tập đoàn kỳ vọng khu công nghiệp này sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp (hiện khoảng 50 nhà đầu tư thứ cấp đã bày tỏ quan tâm tới dự án này), tạo nhiều việc làm cho người dân và giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Còn tập đoàn BDR được thành lập năm 2002, thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2022, hiện đang cung cấp nguyên liệu dược phẩm đầu vào bào chế thuốc điều trị ung thư cho một số nhà máy tại Việt Nam và chuẩn bị được phê chuẩn cấp phép phân phối các loại thuốc điều trị một số loại bệnh ung thư.
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết y tế, dược phẩm là lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm và có chính sách khuyến khích, ưu đãi.
Đối với các đề xuất hợp tác, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai các thủ tục theo quy định.
Ông đề nghị tích cực tham gia góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực dược phẩm với phía Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ.